Xôn xao dư luận những ngày gần đây là sự việc một nữ sinh lớp 10, em N.T.Y.N (Sinh năm 2007, lớp 10A5 Trường THPT chuyên Đại học Vinh – Nghệ An) đã quyên sinh tại nhà riêng, nghi là do bạo lực học đường vào ngày 15/04.
Ngay sau đó, sáng ngày 17/04, một tài khoản Facebook được cho là người thân của em N đã đăng tải bài viết về sự việc cho biết em N. học lực tốt, nhưng bỗng dưng bỏ học, nói với mẹ rằng “con sợ đi học, sợ đến trường”, khi mẹ tìm hiểu thì “biết con bị đánh, bị ngược đãi và bị áp đảo tâm lý”. Theo bài viết trên Facebook, mẹ của N. đã đến trường để xin chuyển lớp cho con, tìm đến cô chủ nhiệm để xin được can thiệp. Tuy nhiên, nhà trường không cho phép nữ sinh chuyển lớp và hứa sẽ tìm hiểu và xử lý nghiêm. “Nên mẹ tạm yên tâm nghĩ con sẽ tự xử lý được vấn đề của con. Vẫn cố gắng đón đưa con đi học để tránh con bị bắt nạt, động viên con hàng ngày. Ai ngờ…”.
Tính đến tối ngày 18/04, ông Nguyễn Hữu Bằng, Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh cho biết, sau khi các thông tin về sự việc trên lan truyền trên mạng xã hội, lãnh đạo trường Đại học này đã mời công an vào cuộc điều tra, theo đó Công an Tỉnh Nghệ An và Công an TP. Vinh đã làm việc với nhà trường.
Ngoài ra, ông Bằng còn cho biết thêm, nhà trường đã họp, rà soát và yêu cầu phía trường chuyên báo cáo cụ thể vụ việc, báo cáo liệu có nhóm lập ra để tẩy chay học sinh không và yêu cầu công an hỗ trợ xác minh các thông tin trên không gian mạng. Để bước đầu làm rõ sự việc một cách khách quan, Trường THPT Chuyên Đại học Vinh đã có quyết định đình chỉ công tác chủ nhiệm đối với giáo viên Đặng Việt Hà từ ngày 18/4.
Tính đến thời điểm hiện tại, vụ việc trên vẫn đang được phía nhà Trường Đại học Vinh và THPT chuyên Đại học Vinh cùng cơ quan công an điều tra, xác minh, làm rõ và chưa có kết luận chính thức.
Nếu sự ra đi của em N. thực sự là do bạo lực học đường?
Hiện nay, “Bạo lực học đường” không còn là một vấn đề quá xa lạ đối với nền giáo dục nói riêng và toàn xã hội nói chung. Theo khoản 5 Điều 2 Nghị định 80/2017/NĐ-CP thì “bạo lực học đường” là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của người học xảy ra trong cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập.
Mọi hậu quả đều có thể xảy ra, thể xác là một phần, nhưng những nỗi ám ảnh, sự sợ hãi, suy sụp, những tổn thương về mặt tinh thần mà nạn nhân phải gánh chịu là nỗi đau vô cùng lớn. Đỉnh điểm là sự túng quẫn phải chọn cách “tự tử” của nữ sinh N. trong sự việc trên.
Cái kết nào cho những đứa trẻ gây tội?
Hiện nay, chế tài xử phạt đối với những học sinh có hành vi bạo lực học đường tại các trường học đang dừng ở việc xử lý kỷ luật, thường sẽ là viết bản kiểm điểm, mời phụ huynh, hạ hạnh kiểm, cảnh cáo trước toàn trường, đình chỉ học có thời hạn hoặc buộc thôi học… Xử lý khi xảy ra bạo lực học đường theo Điều 9 Thông tư 38/2019/TT-BLĐTBXH như sau: Có biện pháp cô lập, khống chế kịp thời các đối tượng gây ra bạo lực học đường; Liên lạc, báo cáo ngay với cấp thẩm quyền để xử lý, trường hợp vụ việc vượt quá khả năng giải quyết của cơ sở giáo dục thì thông báo kịp thời với chính quyền hoặc cơ quan chức năng để phối hợp xử lý; Đánh giá sơ bộ về mức độ tổn hại, trợ giúp, chăm sóc y tế đối với nạn nhân; Có biện pháp hỗ trợ thiết thực bảo vệ an toàn cho nạn nhân trong thời gian tiếp theo và Thông báo kịp thời với gia đình nạn nhân để phối hợp xử lý.
Thế nhưng, chỉ như vậy thôi thì “Bạo lực học đường” không thể chấm dứt và pháp luật Việt Nam cũng đã đưa ra những hình thức xử phạt mang tính răn đe hơn, mọi hành vi bạo lực học đường hoàn toàn có thể bị xử lý bằng các biện pháp sau:
- Biện pháp xử lý hành chính:
Căn cứ Điều 5 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012:“Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý”.
Có thể thấy, bạo lực học đường thường là lỗi cố ý. Những học sinh này có nhận thức rõ hành vi gây nguy hiểm cho người khác, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra; hoặc chúng nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho người khác, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Với hình thức Cảnh cáo được quy định tại Điều 22 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012:“Cảnh cáo được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ và theo quy định thì bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo hoặc đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện”. Như vậy, đối với biện pháp xử phạt hành chính, cá nhân thực hiện hành vi bạo lực học đường hoàn toàn có thể bị xử phạt cảnh cáo nếu vi phạm của chúng không nghiêm trọng.
- Trách nhiệm dân sự:
Theo nhiều nghiên cứu, nạn nhân của bạo lực học đường sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe, tính mạng, danh dự. Do đó, có thể khẳng định, bạo lực học đường xâm phạm trực tiếp tới sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của người bị hại. Theo Điều 593 Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS 2015) bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại và Thiệt hại khác do luật quy định.
Việc bạo lực này nếu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của trẻ khác thì phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm bị xâm phạm theo quy định tại Điều 592 BLDS 2015, như sau: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại hoặc Thiệt hại khác do luật quy định;….
Ngoài ra, còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần như: Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại (Điều 599 BLDS 2015) và Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình (Điều 586 BLDS 2015).
- Trách nhiệm hình sự:
Liên quan đến hành vi bạo lực học đường, các em có thể bị xử lý hình sự các Tội về xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người khi hành vi đã đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm và các em đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Các tội đó có thể là Tội cố ý gây thương tích theo (Điều 134 Bộ luật hình sự 2015); Tội làm nhục người khác (Điều 155 BLHS 2015)… hoặc thậm chí là Giết người (Điều 123 BLHS) nếu thực sự có thiệt hại về tính mạng xảy ra. Hiện nay, ranh giới giữa tội Cố ý gây thương tích và Giết người rất gần. Theo Án lệ số 47/2021/AL của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao thì hành vi dùng hung khí nguy hiểm tác động đến vùng trọng yếu trên cơ thể, dù không có thiệt hại về tính mạng xảy ra cũng được nhận định cấu thành Tội Giết người.
Theo Điều 12 Bộ luật hình sự 2015 thì: “Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác .
Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.”
Như vậy, nếu học sinh đã đủ 16 tuổi thì phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi do mình gây ra, không phân biệt mức độ thiệt hại. Đối với người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích khi hành vi đủ mức độ nguy hiểm cấu thành tội phạm theo khoản 3, Khoản 4 Điều 134 với khung hình phạt tù cao nhất lên đến 14 năm.
- Lưu ý:
Theo Điều 1 Luật Trẻ em 2016 quy định: “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”. Nếu trường hợp các em chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nhưng đã đủ 12 tuổi thì tùy trường hợp có thể bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào trường giáo dưỡng (Điều 89 và Điều 91 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012)
Có một sự thật rằng, “bệnh ngáo quyền lực” không chỉ xảy ra với nhiều đối tượng trên mạng xã hội, mà chính những đứa trẻ “đầu têu” cho việc bạo lực học đường cũng là đối tượng bị “ngáo quyền lực”. Vào thời điểm thực hiện hành vi, chúng sẽ không cảm thấy sợ hãi hay nao núng khi bị chứng kiến nếu không có sự ngăn chặn từ bố mẹ. Những bạn học khác thấy cảnh bạo lực học đường đôi khi cũng vì sợ liên lụy bản thân mà không dám đứng ra bảo vệ cho bạn mình.
Sự ra đi của nữ sinh N. cũng là bài học và lời cảnh tỉnh cho nhiều đối tượng đã, đang và sẽ có ý định gây ra bạo lực học đường. Hành vi của những học sinh này chính là hậu quả của một nền giáo dục chưa có sự quan tâm sát sao và đề cao sự phát triển, hoàn thiện đạo đức nhân cách của mỗi cá nhân. .
Dưới góc độ pháp lý, Công ty Luật TNHH Giang Anh cho rằng hành vi bạo lực học đường chỉ bị xử lý thật nghiêm khi đã để lại hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng sẽ là không đủ sức răn đe và đôi lúc là quá muộn. Thậm chí, đây cũng là kẽ hở để các đối tượng xấu lợi dụng người chưa thành niên thực hiện hành vi phạm tội. Phải chăng đã đến lúc Pháp luật Việt Nam cần đặt ra những chế tài, quy định cụ thể hơn không những đối với người trực tiếp thực hiện hành vi mà còn cả những người có trách nhiệm quản lý, kiểm soát như Phụ huynh và Nhà trường.
Công ty Luật TNHH Giang Anh rất mong sẽ không còn tình trạng đáng tiếc nào như câu chuyện vừa qua xảy ra nữa, nếu như đó là sự thật. Cũng mong các bạn trẻ khi gặp khó khăn, khúc mắc hãy đừng nghĩ đến những giải pháp mang tính tiêu cực vội, bởi chuyện gì cũng sẽ có cách giải quyết. Bên cạnh các bạn không chỉ có gia đình, thầy cô, bạn bè mà còn có pháp luật. Những người đại diện cho pháp luật chắc chắn sẽ có trách nhiệm để đảm bảo cho Công lý luôn được thực thi.