Cho mượn xe gây tai nạn, chủ sở hữu có phải bồi thường không?

Câu hỏi: 
Xin chào luật sư! Tôi tên là Nguyễn Văn T, Tôi là chủ sở hữu một chiếc xe ô tô. Ngày 18/11/2022, anh B – là bạn tôi có đến mượn tôi chiếc xe ô tô để trở vợ đi bệnh viện trên thành phố khám sức khỏe. Tôi và anh B là bạn lâu năm, tôi biết anh B có đầy đủ bằng lái xe và khả năng lái xe cũng khá tốt. Tuy nhiên, ngay trong buổi sáng hôm đó, trên đường đi, bạn tôi lái xe vào đoạn cua, mất lái và va chạm với người điều khiển xe máy đi ngược chiều. Hậu quả là người lái xe máy bị gãy chân phải băng bó nhập viện. Vậy, trong trường hợp trên, tôi có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại cùng bạn tôi hay không? 

Trả lời: 
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Giang Anh, đối với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin trả lời như sau:
Bạn là chủ sở hữu của chiếc xe ô tô, việc bạn chiếm hữu, sử dụng, định đoạt chiếc xe như thế nào đó hoàn toàn là quyền của bạn. Tuy nhiên, theo quy định của hầu hết các quốc gia khác và pháp luật Việt Nam (cụ thể tại Khoản 1 Điều  601 BLDS 2015) thì ô tô được xem là nguồn nguy hiểm cao độ và trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra được đặt ra đối với chủ sở hữu hoặc cá nhân khác phụ thuộc vào quy định của pháp luật trong trong từng trường hợp cụ thể.

Căn cứ vào Khoản 2 Điều 601 BLDS 2015: “Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”
Căn cứ vào Khoản 3 Điều 601 BLDS 2015 quy định: “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:
a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”

Tại điểm d tiểu mục 2 mục III Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP hướng dẫn: “Người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, nếu chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp không có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật (đã tuân thủ các quy định về bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật)”.

Tư vấn của luật sư: 
Dựa vào những thông tin mà bạn cung cấp cho chúng tôi thì chiếc xe ô tô của bạn được xác định là nguồn nguy hiểm cao độ. Bạn giao chiếc xe ô tô cho anh B – bạn của bạn mượn (anh B có đủ giấy tờ, trình độ lái xe) – đây là một giao dịch dân sự hợp pháp, hơn thế nữa giữa bạn và anh B không có sự thỏa thuận nào về việc bạn phải có trách nhiệm bồi thường khi có thiệt hại xảy ra. Dù bạn đã giao chiếc xe cho anh B, nhưng mục đích sử dụng của anh B không phải nhằm đáp ứng lợi ích của bạn. Do đó, khi CSH nguồn nguy hiểm cao độ đã chuyển giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng một cách hợp pháp mà không vì mục đích của bản thân thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ khi đó phải chịu TNBT. Như vậy, trong trường hợp trên, bạn sẽ không phải chịu trách nhiệm BTTH cho anh B.

Nếu còn bất cứ câu hỏi nào chưa được giải đáp hoặc có thắc mắc cần tư vấn, trợ giúp của các luật sư, bạn có thể liên hệ với Công ty luật TNHH Giang Anh qua địa chỉ Website: https://hanoiattorneys.com hoặc Hotline tư vấn: 0345 428 668. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *