Mục Lục
Trong hơn 3 năm trở lại đây, Việt Nam phải đối diện với một cơn đại dịch lớn của toàn nhân loại – COVID 19. Diễn biến phức tạp, kéo dài của căn bệnh này đã tác động tiêu cực tới mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội. Theo đó, đa số các doanh nghiệp lớn nhỏ trên cả nước đều bị ảnh hưởng, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đứng trước những khó khăn, thách thức đó, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn hình thức giải thể. Điều này làm phát sinh các quyền và lợi ích liên quan của người lao động, các đối tác và đặc biệt là các chủ nợ của doanh nghiệp. Vì vậy, trong bối cảnh này, một câu hỏi lớn đã được đặt ra: Các chủ nợ có đòi được nợ từ doanh nghiệp đã giải thể hay không?
1. Giải thể doanh nghiệp là gì?
Hiểu một cách đơn giản, giải thể doanh nghiệp là việc một doanh nghiệp chấm dứt tư cách pháp nhân và các quyền, nghĩa vụ liên quan của doanh nghiệp. Khoản 6 Điều 41 Nghị định 01/2021/NĐ-CP Về đăng ký doanh nghiệp quy định “đã giải thể” là “tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục giải thể theo quy định và được Phòng đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý theo khoản 8 Điều 208, khoản 5 Điều 209 Luật Doanh nghiệp”.
2. Khi nào doanh nghiệp được giải thể?
Căn cứ Điều 207 Luật Doanh nghiệp 2020, Doanh nghiệp được giải thể trong 4 trường hợp sau:
- Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;
- Theo nghị quyết, quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty theo cổ phần;
- Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp;
- Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Luật Quản lý thuế có quy định khác.
Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp doanh nghiệp đều được giải thể. Cũng theo Khoản 2 của Điều này, “doanh nghiệp chỉ được giải thể khi đảm bảo thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài. Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ doanh nghiệp”.
Như vậy, “thanh toán hết các khoản nợ” (bao gồm tiền lương cho người lao động, công nợ, nợ thuế…) là một trong các điều kiện giải thể của doanh nghiệp. Chỉ khi đảm bảo được các điều kiện theo luật định, doanh nghiệp mới có thể hoàn thiện Hồ sơ giải thể.
3. Có đòi được nợ từ doanh nghiệp đã giải thể không?
Căn cứ Khoản 3 Điều 208 Luật Doanh nghiệp 2020 về Trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp: “Trường hợp doanh nghiệp còn nghĩa vụ tài chính chưa thanh toán thì phải gửi kèm theo nghị quyết, quyết định giải thể và phương án giải quyết nợ đến các chủ nợ, người có quyền, nghĩa vụ và lợi ích có liên quan. Phương án giải quyết nợ phải có tên, địa chỉ của chủ nợ; số nợ, thời hạn, địa điểm và phương thức thanh toán số nợ đó; cách thức và thời hạn giải quyết khiếu nại của chủ nợ;”
Cũng theo khoản 5 của Điều này:
“Các khoản nợ của doanh nghiệp được thanh toán theo thứ tự ưu tiên sau đây:
a) Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết
b) Nợ thuế
c) Các khoản nợ khác;”.
Ngoài ra, khoản 3 Điều 210 Luật Doanh nghiệp cũng quy định:“Trường hợp hồ sơ giải thể không chính xác, giả mạo, những người quy định tại khoản 2 Điều này phải liên đới chịu trách nhiệm thanh toán quyền lợi của người lao động chưa được giải quyết, số thuế chưa nộp, số nợ khác chưa thanh toán và chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về những hệ quả phát sinh trong thời hạn 05 năm kể từ ngày nộp hồ sơ giải thể doanh nghiệp đến Cơ quan đăng ký kinh doanh”.
Theo đó, các thành viên của doanh nghiệp được quy định tại khoản 2 Điều 210 Luật Doanh nghiệp 2020 bao gồm: Thành viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần, thành viên Hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, chủ sở hữu công ty, chủ doanh nghiệp tư nhân, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, thành viên hợp danh, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của hồ sơ giải thể doanh nghiệp. Việc chưa thanh toán khoản nợ nhưng lại cập nhật vào hồ sơ giải thể là đã thanh toán, hoặc che giấu, không cập nhật chính xác thông tin về các khoản nợ được coi là hành vi vi phạm điều kiện của hồ sơ giải thể. Theo quy định trên, chủ nợ chưa được thanh toán nợ hoàn toàn có quyền đòi nợ từ doanh nghiệp, cụ thể là các thành viên công ty quy định tại khoản 2 Điều 210 Luật Doanh nghiệp 2020 trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày doanh nghiệp nộp hồ sơ giải thể.
Như vậy, công ty chỉ có thể hoàn thiện thủ tục giải thể khi đã thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính khác, hoặc đã kê khai toàn bộ các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính cùng phương án giải quyết nợ kèm theo nghị quyết, quyết định giải thể doanh nghiệp đến các chủ nợ, người có quyền, nghĩa vụ và lợi ích liên quan. Trong trường hợp doanh nghiệp đã giải thể, chủ nợ vẫn hoàn toàn có quyền yêu cầu doanh nghiệp thanh toán toàn bộ khoản nợ cho mình. Nếu doanh nghiệp không chịu thanh toán, chủ nợ có quyền khởi kiện đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền để tiến hành giải quyết. Khi đó, theo Luật quy định, những thành viên giữ chức vụ như trên vẫn phải chịu trách nhiệm và trở thành bị đơn trước Tòa.
Tóm lại, pháp luật Việt Nam nói chung, Luật Doanh nghiệp Việt Nam nói riêng có đầy đủ hệ thống quy tắc nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của các bên trong các hoạt động kinh tế, bao gồm cả các khoản công nợ giữa các bên trong quá trình tổ chức và hoạt động doanh nghiệp. Doanh nghiệp đã giải thể nhưng nếu có căn cứ là chưa được thanh toán khoản nợ, chủ nợ hoàn toàn có thể yêu cầu doanh nghiệp trả nợ hoặc kiện ra Toà án để giải quyết nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Trường hợp còn bất cứ câu hỏi nào chưa được giải đáp hoặc có thắc mắc cần tư vấn, trợ giúp của các Luật sư, bạn có thể liên hệ với Công ty Luật TNHH Giang Anh qua địa chỉ website: https://hanoiattorneys.com hoặc Hotline tư vấn: 0345 428 668 để được hỗ trợ kịp thời.