Mặc dù vấn đề về các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính khác của doanh nghiệp khi tiến hành thủ tục giải thể đã được Luật Doanh nghiệp 2020 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan quy định rõ ràng, nhưng trên thực tế vẫn còn tồn tại nhiều trường hợp doanh nghiệp khai gian, khai báo giả các khoản nợ, hoặc che giấu thông tin giải thể của doanh nghiệp mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ. Trong bối cảnh đó, một câu hỏi lớn được đặt ra: Các bên liên quan có thời hạn bao lâu để khởi kiện giải quyết tranh chấp phát sinh trong trường hợp này? Trách nhiệm pháp lý đặt ra cho các doanh nghiệp khi vi phạm điều khoản về giải quyết nợ và nghĩa vụ tài chính khi giải thể doanh nghiệp được pháp luật quy định như thế nào?
Để trả lời cho câu hỏi này, trước tiên, tại khoản 3 và khoản 4 Điều 208 Luật doanh nghiệp 2020 về Trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp đã quy định:
“ 3. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày thông qua, nghị quyết, quyết định giải thể và biên bản họp phải được gửi đến Cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế, người lao động trong doanh nghiệp. Nghị quyết, quyết định giải thể phải được đăng trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và được niêm yết công khai tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp.”
4. Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo tình trạng doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp ngay sau khi nhận được nghị quyết, quyết định giải thể của doanh nghiệp. Kèm theo thông báo phải đăng tải nghị quyết, quyết định giải thể và phương án giải quyết nợ (nếu có); ”
Theo đó, trong khoảng thời gian nhất định, doanh nghiệp tiến hành thủ tục giải thể phải gửi các văn bản có liên quan đến Cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế, và đặc biệt là đến người lao động. Bên cạnh đó, nghị quyết, quyết định giải thể của doanh nghiệp phải được công khai và niêm yết tại trụ sở chính, chi nhánh và văn phòng đại diện của doanh nghiệp. Điều này đảm bảo tính công khai, minh bạch và đảm bảo cho tất cả các cá nhân, tổ chức có quyền và lợi ích liên quan tới việc giải thể của doanh nghiệp được biết và tạo cơ hội để họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình theo Luật định. Đây là một trong các điều kiện bắt buộc của thủ tục giải thể doanh nghiệp được pháp luật ghi nhận và bắt buộc các doanh nghiệp phải tuân thủ.
Tiếp theo, tại khoản 5 Điều 208 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:
“5. Sau thời hạn 180 ngày kể từ ngày thông báo tình trạng đang làm thủ tục giải thể doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều này mà không nhận được phản đối của bên có liên quan bằng văn bản hoặc trong 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ giải thể, Cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp;”
Như vậy, trong trường hợp các bên liên quan (trường hợp này là chủ nợ của doanh nghiệp) không biết về thông tin giải thể của doanh nghiệp do yếu tố khách quan hoặc do doanh nghiệp cố tình che giấu thông tin, khai báo giả thông tin nợ nhằm trốn tránh nghĩa vụ, các bên có quyền khởi kiện giải quyết khiếu nại tại Tòa án. Thời hạn khiếu nại được tính như sau:
- 180 ngày kể từ ngày Cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế, người lao động trong doanh nghiệp nhận được nghị quyết, quyết định giải thể của doanh nghiệp
- 05 ngày làm việc kể từ ngày Cơ quan đăng ký kinh doanh nhận được hồ sơ giải thể của doanh nghiệp.
Về trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp khi vi phạm trình tự và thủ tục giải thể, khoản 2 và khoản 3 Điều 210 Luật Doanh nghiệp 2020 về Hồ sơ giải thể doanh nghiệp quy định:
“2. Thành viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần, thành viên Hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, chủ sở hữu công ty, chủ doanh nghiệp tư nhân, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, thành viên hợp danh, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của hồ sơ giải thể doanh nghiệp.
3. Trường hợp hồ sơ giải thể không chính xác, giả mạo, những người quy định tại khoản 2 Điều này phải liên đới chịu trách nhiệm thanh toán quyền lợi của người lao động chưa được giải quyết, số thuế chưa nộp, số nợ khác chưa thanh toán và chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về những hệ quả phát sinh trong thời hạn 05 năm kể từ ngày nộp hồ sơ giải thể doanh nghiệp đến Cơ quan đăng ký kinh doanh.”
Qua đó cho thấy trường hợp doanh nghiệp khai báo không đủ các khoản công nợ của mình trong báo cáo kèm theo nghị quyết và quyết định giải thể theo đúng trình tự, thủ tục được quy định trong Luật, những thành viên thuộc ban điều hành của công ty (Thành viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần, thành viên Hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, chủ sở hữu công ty, chủ doanh nghiệp tư nhân, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, thành viên hợp danh, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp) phải chịu trách nhiệm liên đới về số nợ còn thiếu và chịu trách nhiệm cá nhân về các hậu quả phát sinh trong thời hạn 05 năm kể từ ngày nộp hồ sơ giải thể đến Cơ quan đăng ký kinh doanh.
Tóm lại, pháp luật Việt Nam nói chung, Luật Doanh nghiệp Việt Nam nói riêng có đầy đủ hệ thống quy tắc nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của các bên trong các hoạt động kinh tế, bao gồm cả các khoản công nợ giữa các bên trong quá trình tổ chức và hoạt động doanh nghiệp.
Trường hợp còn bất cứ câu hỏi nào chưa được giải đáp hoặc có thắc mắc cần tư vấn, trợ giúp của các Luật sư, bạn có thể liên hệ với Công ty Luật TNHH Giang Anh qua địa chỉ Email: gal.attorneys@gmail.com hoặc Hotline tư vấn: 0345 428 668. Chúng tôi cam kết sẽ hỗ trợ tối đa để giải quyết mọi vướng mắc pháp lý của bạn.