Trong vụ án ly hôn, việc Toà án giao quyền trực tiếp nuôi con sau ly hôn cho ai phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến phán quyết của Toà án đó chính là nguyện vọng của đứa trẻ. Vụ việc cụ thể dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về vấn đề này.
Tóm tắt vụ việc
Vụ việc thuộc Bản án số: 01/2019/HNGĐ-ST do Tòa án nhân dân thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp giải quyết.
Nguyên đơn là chị Võ Thị Ngọc M – Bị đơn là Anh Trần Thanh L.
- Về quan hệ hôn nhân: Chị M và anh Trần Thanh L đăng ký kết hôn vào ngày 08/7/2002. Hai anh chị chung sống hạnh phúc đến năm 2017 thì phát sinh mâu thuẫn. Nguyên nhân là do vợ chồng thường xuyên bất đồng quan điểm trong cuộc sống, không tìm được tiếng nói chung. Anh L không lo làm ăn, thường tụ tập uống rượu, không chăm sóc gia đình. Hiện tại vợ chồng đã sống ly thân từ cuối năm 2017. Tháng 3/2018 chị M gửi hồ sơ xin ly hôn nhưng sau đó đã rút đơn để vợ chồng có thêm cơ hội hàn gắn tình cảm nhưng hai anh chị vẫn không thể hàn gắn. Năm 2019 chị Võ Thị Ngọc M yêu cầu được ly hôn với anh Trần Thanh L.
- Về con chung: Vợ chồng có hai con chung là Trần Thị Yến N, sinh ngày 23/5/2003 và Trần Gia M, sinh ngày 28/5/2009 hiện đều đang sống chung với chị M. Sau khi ly hôn, chị yêu cầu được trực tiếp nuôi hai con chung và không yêu cầu anh L cấp dưỡng nuôi con.
- Về tài sản chung: Vợ chồng tự thỏa thuận, không yêu cầu Tòa án giải quyết. Về nợ chung: Không có. Bị đơn là anh Trần Thanh L vắng mặt không có lý do trong các lần Tòa án triệu tập và không có văn bản trình bày ý kiến đối với yêu cầu của chị Võ Thị Ngọc M.
Tòa án nhận định
- Về quan hệ hôn nhân: Vợ chồng anh L chị M có nhiều mâu thuẫn không thể hàn gắn. Anh L không thực hiện nghĩa vụ của người chồng, người cha là chăm lo cho gia đình. Hai vợ chồng đã sống ly thân từ năm 2017 đến nay. Do vậy, yêu cầu ly hôn của chị Võ Thị Ngọc M đối với anh Trần Thanh L là phù hợp theo quy định tại khoản 2 Điều 56 của Luật hôn nhân và gia đình nên chấp nhận.
- Về con chung: Sau khi ly hôn, chị Võ Thị Ngọc M yêu cầu được trực tiếp nuôi hai con chung và không yêu cầu anh L cấp dưỡng nuôi con. Nguyện vọng của hai cháu là mong muốn được sống với mẹ. Hội đồng xét xử xét thấy, trong thời gian qua hai cháu chung sống cùng với chị M, được sự chăm sóc và nuôi dưỡng của chị M, đồng thời hai cháu còn có nguyện vọng được sống chung với chị M. Mặt khác, anh Trần Thanh L không có yêu cầu được nuôi hai con chung. Nên xét thấy việc chị Võ Thị Ngọc M yêu cầu được trực tiếp nuôi con là phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình nên Hội đồng xét xử xét chấp nhận.
Quyết định của Tòa án
- Chấp nhận yêu cầu xin ly hôn của chị Võ Thị Ngọc M. Chị Võ Thị Ngọc M được ly hôn với anh Trần Thanh L.
- Chị Võ Thị Ngọc M được tiếp tục nuôi cả hai con chung là Trần Thị Yến N và Trần Gia M. Hai bên có quyền trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng và thăm nom con chung, không bên nào được cản trở.
Nhận định từ luật sư:
- Điểm đặc biệt của vụ án này là tuy vợ chồng chị M có 2 con chung nhưng không phải mặc định mỗi người được quyền nuôi dưỡng 1 con. Tòa án đã căn cứ vào điều kiện nuôi dưỡng của cha, mẹ và nguyện vọng của các con để ra quyết định cho chị M được nuôi cả 2 con. Nhiều người cho rằng trường hợp vợ chồng ly hôn mà có 2 con chung thì mặc nhiên mỗi người có quyền nuôi dưỡng một con. Cách hiểu như vậy là không chính xác. Để xác định ai là người có quyền trực tiếp nuôi con sau ly hôn trong trường hợp cả hai vợ chồng không thỏa thuận được về vấn đề này, Tòa án còn phải căn cứ vào nhiều yếu tố. Trong đó, hai yếu tố về điều kiện nuôi dưỡng của cha mẹ và nguyện vọng của con là các yếu tố quan trọng nhất. Ngoài việc chứng minh điều kiện nuôi con (vật chất và tinh thần) trong phiên tòa xét xử ly hôn thì việc xem xét nguyện vọng (ở với ai) của con cũng là yếu tố quyết định. Khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau: “2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.”
- Như vậy, trường hợp con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Con muốn được ở với ai là điều kiện quan trọng khi Toà án phán quyết quyền nuôi con. Trong vụ án trên, cả hai con của chị M đều đã trên 07 tuổi (1 cháu 10 tuổi, 1 cháu 16 tuổi). Hai cháu đều có nguyện vọng muốn ở với mẹ nên Tòa án đã giao quyền nuôi con cho chị M.
Con cái chính là tài sản quý báu nhất của mỗi người làm cha, làm mẹ. Vì vậy, các vụ án có tranh chấp về giành quyền nuôi con sau khi ly hôn đều diễn ra rất quyết liệt. Để có thể giành được quyền nuôi con, bạn cần hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề này cũng như hiểu rõ cách Tòa án xem xét và phán quyết quyền nuôi con. Khi đó, bạn sẽ có cho mình những sự chuẩn bị kỹ càng để giành được lợi thế. Bạn nên tìm đến luật sư để được tư vấn. Đặc biệt là khi tương quan so sánh điều kiện kinh tế của bạn và chồng/vợ của bạn có sự tương đương nhau. Khi không nhận được sự tư vấn của luật sư hoặc không có luật sư đồng hành trong quá trình giải quyết vụ việc, bạn có thể gặp nhiều bất lợi như: không đưa ra được các bằng chứng chứng minh mình đủ điều kiện nuôi con, không chuẩn bị đủ hồ sơ giấy tờ,… Có luật sư đồng hành bên mình sẽ giúp bạn tự tin hơn và có sự chuẩn bị tốt hơn trong cuộc chiến giành quyền nuôi con. Bạn sẽ gặp khó khăn thật sự nếu như đối phương nhờ sự giúp đỡ của luật sư để giành quyền nuôi con trong khi bạn không có.
Trường hợp còn bất cứ câu hỏi nào chưa được giải đáp hoặc có thắc mắc cần tư vấn, trợ giúp của các luật sư, bạn có thể liên hệ với Công ty luật TNHH Giang Anh qua địa chỉ website: https://gianganhlaw.com/ hoặc Hotline tư vấn: 0345 428 668 để được hỗ trợ kịp thời.