Câu hỏi:
Xin chào Luật sư! Tôi tên là Trần Ngọc L, tôi có một số thắc mắc muốn hỏi luật sư như sau: Tôi mới mua một chiếc xe bán tải và bạn tôi muốn mượn để sử dụng trong vài ngày. Hai đứa chơi thân với nhau nên tôi ngại từ chối và cũng định cho mượn vì không thấy có vấn đề gì nhưng thấy mọi người khuyên là không nên để tránh phiền phức. Tôi không lường trước hết được các rủi ro và vấn đề có thể xảy ra, vì vậy mong luật sư giải đáp để tôi cân nhắc và quyết định.
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Giang Anh, đối với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin trả lời như sau:
Đứng trên góc độ của bạn, chúng tôi hoàn toàn hiểu được lý do và sự e ngại khi phải từ chối việc cho bạn thân của mình mượn xe. Tuy nhiên, xuất phát từ việc lo lắng cho bạn nên người thân đã đưa ra những ý kiến để bạn cân nhắc, và chắc chắn những lời góp ý đưa ra đều dựa trên cơ sở có sự tham khảo từ trước và thậm chí là kinh nghiệm thực tế. Chúng tôi không thể liệt kê tất cả các tình huống rủi ro và các vấn đề pháp lý có thể xảy ra khi cho người khác mượn xe để sử dụng bởi tùy vào từng trường hợp cụ thể sẽ dẫn đến những hậu quả và trách nhiệm khác nhau, bao gồm Trách nhiệm dân sự và thậm chí là cả trách nhiệm hình sự.
Một số rủi ro thường gặp:
Rủi ro là chuyện không ai mong muốn xảy ra, nhưng khi bạn cho người khác mượn xe thì đồng thời bạn cũng khó tránh khỏi những trường hợp bất đắc dĩ mà người được cho mượn mang lại. Đối với đa số người dân Việt Nam, chiếc xe chính là tài sản lớn trong cuộc sống của họ. Nếu người mượn xe gây tai nạn, bạn là chủ sở hữu (CSH) chiếc xe sẽ phải gánh chịu những rủi ro, chẳng hạn:
- Chiếc xe bị hư hỏng, không thể sử dụng cho đến khi được sửa chữa
- Có thể bị cơ quan Công An thu giữ xe
- Không được bảo hiểm xe hỗ trợ
Và còn rất nhiều trường hợp khác……
Những trách nhiệm pháp lý xảy ra đối với người cho mượn xe
- Trách nhiệm dân sự:
Trách nhiệm dân sự ở đây được hiểu chính là Trách nhiệm bồi thường thiệt hại (BTTH) của CSH ngay cả khi không sử dụng xe
- Trường hợp 1: Để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật:
Căn cứ vào Khoản 4 Điều 601 BLDS 2015: “Khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.”
Căn cứ điểm b tiểu mục 2 mục III Nghị quyết 03/2006/ NQ-HĐTP quy định: “trong trường hợp chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ không theo đúng quy định của pháp luật mà gây thiệt hại, thì chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại.”
- Trường hợp 2: Có sự thỏa thuận về trách nhiệm BTTH:
Theo Khoản 2 Điều 601 BLDS 2015: “Nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Các thỏa thuận đó phải không trái với quy định của pháp luật, đạo đức xã hội và không nhằm trốn tránh việc bồi thường. Ví dụ tại NQ 03/2006, có thể là các thỏa thuận như:
- Thỏa thuận cùng nhau liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại;
- Thỏa thuận chủ sở hữu bồi thường thiệt hại trước, sau đó người được giao chiếm hữu, sử dụng sẽ hoàn trả cho chủ sở hữu khoản tiền đã bồi thường;
- Ai có điều kiện về kinh tế hơn thì người đó thực hiện việc bồi thường thiệt hại trước.
- Trường hợp 3: Chủ sở hữu giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng để phục vụ cho lợi ích của chính mình:
Theo điểm đ tiểu mục 2 mục III Nghị quyết 03/2006/NĐ-CP: “Nếu chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ đã giao nguồn nguy hiểm cao độ cho người khác mà gây thiệt hại thì phải xác định trong trường hợp cụ thể đó người được giao nguồn nguy hiểm cao độ có phải là người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ hay không để xác định ai có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.”.
Hiện nay, một trong những minh chứng cụ thể nhất là các cơ quan đoàn thể, các công ty, các “sếp lớn” thường có tài xế riêng thực hiện công việc đưa đón lãnh đạo đi công tác, ngoại giao,… Trong trường hợp này, tuy người đang chiếm hữu, sử dụng chiếc xe là tài xế nhưng họ lại thực hiện một công việc vì lợi ích của công ty, của lãnh đạo. Do đó, nếu xảy ra tai nạn thì người phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại là cơ quan, chủ công ty, các “sếp” chứ không phải người tài xế kia.
- Trách nhiệm hình sự:
Do bạn không nói rõ khi mượn xe bạn của bạn có đủ điều kiện lái xe (tuổi, giấy phép lái xe, tình trạng tinh thần,…) hay không. Nên, nếu CSH phải chịu trách nhiệm hình sự khi cho người khác mượn xe gây tai nạn, chúng tôi sẽ xét trong trường hợp như sau:
- Căn cứ vào điểm đ khoản 5 điều 30 Nghị định số 123/2021/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung Nghị định 100/2019/NĐ-CP), nếu cho người chưa đủ độ tuổi, sức khoẻ, không có giấy phép lái xe phù hợp mượn xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô để điều khiển xe tham gia giao thông thì sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2 triệu đồng đối với cá nhân.
- Đồng thời, theo Điều 264 của Bộ luật Hình sự 2015 quy định “Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ”: Người chủ sở hữu, quản lý phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà giao cho người không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm tùy từng trường hợp.
Tư vấn của luật sư:
Bạn cho mượn xe và người đó gây tai nạn, đó là tình huống không ai mong muốn. Nếu bạn cho mượn xe theo đúng quy định của pháp luật, không có sự thỏa thuận nào khác hay thuộc vào một trong những trường hợp trách nhiệm dân sự mà chúng tôi đã liệt kê thì bạn sẽ không phải chịu bất cứ trách nhiệm pháp lý nào, tuy nhiên về rủi ro xảy ra với bạn và tài sản của bạn là khó tránh khỏi. Do đó, trước khi cho người khác mượn xe bạn cần chắc chắn về tình trạng của người được cho mượn, nói “không” nếu cảm thấy không an toàn để đảm bảo quyền lợi của bản thân khi có rủi ro xảy ra và tránh những trách nhiệm pháp lý không mong muốn.
Trường hợp còn câu hỏi nào chưa được giải đáp hoặc có thắc mắc cần tư vấn, trợ giúp của các luật sư, bạn có thể liên hệ với Công ty Luật TNHH Giang Anh qua địa chỉ website: https://gianganhlaw.com/ hoặc Hotline tư vấn: 0345 428 668 để được hỗ trợ kịp thời.