Thị trường lao động hiện nay và trong tương lại nói chung sẽ luôn có những biến động không ngừng. Số lượng người lao động có nhu cầu tìm việc ngày càng nhiều trong khi tiêu chí tuyển dụng của các nhà tuyển dụng cũng sẽ trở nên ngày càng gay gắt khốc liệt. Trong một mối quan hệ “win-win”, đôi bên cùng có lợi, người sử dụng lao động luôn muốn tìm kiếm cho mình những người lao động có tay nghề cao, trình độ chuyên môn xuất sắc và ngược lại Người lao động cũng muốn được hưởng một mức lương phù hợp với “chất xám”, sức lao động mà họ phải bỏ ra, và được hưởng cả quyền lợi chính đáng ngay cả khi thôi việc, trong đó có khoản trợ cấp thôi việc.
Trợ cấp thôi việc là gì?
Cho đến nay, quy định pháp luật chưa có khái niệm quy chuẩn về trợ cấp thôi việc. Tuy nhiên, từ các quy định của Bộ Luật lao động, có thể hiểu trợ cấp thôi việc là khoản tiền người sử dụng lao động phải trả cho người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, trừ trường hợp người lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định hoặc người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc trở lên.
Mức trợ cấp thôi việc cho người lao động (NLĐ) được tính như thế nào?
Hiện nay, mức trợ cấp thôi việc của NLĐ được xác định như sau:
- Khoản 1 Điều 46 BLLĐ 2019: Người lao động đã làm việc thường xuyên cho người sử dụng lao động từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương
- Khoản 3 Điều 46 BLLĐ 2019: Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc.
Đồng thời khoản 5 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP nêu rõ tiền lương để tính trợ cấp thôi việc như sau:
Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm được quy định như sau:
a) Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc, mất việc làm.
b) Trường hợp người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo nhiều hợp đồng lao động kế tiếp nhau theo quy định tại khoản 2 Điều 20 của Bộ luật Lao động thì tiền lương để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi chấm dứt hợp đồng lao động cuối cùng.
Trường hợp hợp đồng lao động cuối cùng bị tuyên bố vô hiệu vì có nội dung tiền lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố hoặc mức lương ghi trong thỏa ước lao động tập thể thì tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc do hai bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng hoặc mức lương ghi trong thỏa ước lao động tập thể.
c) Kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm đối với người lao động được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh hoặc kinh phí hoạt động của người sử dụng lao động.
=> Như vậy, theo quy định trên, người lao động nghỉ việc, đủ điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc, mỗi năm làm việc sẽ được trợ cấp nửa tháng tiền lương như sau:
Tiền trợ cấp thôi việc
|
= | Số năm làm việc | x | Bình quân lương 6 tháng liền kề/2 |
Tóm lại, việc biết và hiểu rõ cách tính mức trợ cấp thôi việc cũng là một trong những cách để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động khi thôi việc. Việc trả trợ cấp thôi việc là nghĩa vụ của người sử dụng lao động đối với người lao động. Mong rằng với những chia sẻ từ bài viết trên của Luật Giang Anh có thể mang lại cho bạn đọc và người lao động những thông tin hữu ích.
Nếu có nhu cầu cần tư vấn, hỗ trợ cụ thể bạn hãy liên hệ đến Công ty Luật TNHH Giang Anh qua các phương thức sau để được tư vấn và trợ giúp trong thời gian sớm nhất:
Hotline/Zalo: 0345 428 668.
Website: https://gianganhlaw.com
Fanpage: https://www.facebook.com/gal.attorneys