Thẩm quyền giải quyết yêu cầu ly hôn

Việc xác định ai là người có thẩm quyền giải quyết đơn yêu cầu ly hôn là một trong những bước quan trọng để thực hiện thủ tục ly hôn. Mặc dù hiện nay có rất nhiều các quy định của pháp luật quy định về thẩm quyền này, nhưng người dân rất khó khăn trong việc hiểu rõ về các quy định đó. Vì thế, Giang Anh Law xin gửi đến bạn đọc những thông tin tổng hợp nhất về thẩm quyền giải quyết đơn yêu cầu ly hôn.

  • Ly hôn không có yếu tố nước ngoài

Căn cứ theo điểm a khoản 1, điểm b khoản 2 Điều 35 BLTTDS 2015, thì thẩm quyền giải quyết các vụ án tranh chấp về hôn nhân gia đình thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện, đối với từng trường hợp cụ thể như sau:

  • Trường hợp thuận tình ly hôn

Ly hôn thuận tình là một trường hợp ly hôn được pháp luật Việt Nam quy định cụ thể, rõ ràng. Để hiểu hơn về vấn đề này, quý bạn đọc có thể tham khảo bài viết “Thủ tục ly hôn thuận tình” của Giang Anh Law TẠI ĐÂY!

Theo đó, thẩm quyền giải quyết ly hôn thuận tình được quy định tại điểm h khoản 2 Điều 39 BLTTDS 2015 như sau:
“Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ:
h, Tòa án nơi một trong các bên thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn;…”

Vậy tòa án cấp nào có thẩm quyền giải quyết?

Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35 BLTTDS 2015 quy định như sau:

Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:
a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 của Bộ luật này;

Như vậy, khi thuận tình ly hôn, hai người có thể thỏa thuận đến Tòa án nơi cư trú của vợ hoặc của chồng để làm thủ tục. Và Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nhân dân cấp huyện.

  • Trường hợp ly hôn theo yêu cầu của một bên (hay còn gọi là ly hôn đơn phương)

Tương tự như trường hợp “ly hôn thuận tình”, thì “ly hôn theo yêu cầu của một bên” thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện.

Căn cứ vào Khoản 1, Điều 39 BLTTDS 2015 quy định về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ như sau:

“1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình,…
b) Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình;…

Như vậy, khi bạn có yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn thì có thể nộp đơn yêu cầu ly hôn tại Tòa án cấp huyện nơi chồng (vợ) bạn cư trú.

  • Ly hôn có yếu tố nước ngoài

Theo khoản 3, Điều 35 BLTTDS quy định: “Những tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 1 (tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình) và khoản 2 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, cho Toà án nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện.”

Đồng thời, theo khoản 3, Điều 37 BLTTDS 2015 quy định về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, trong đó có thẩm quyền giải quyết “Tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 3 Điều 35 của Bộ luật này.”

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 127 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định về việc ly hôn có yếu tố nước ngoài như sau:

Thứ nhất, Việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của Luật này.

-Dẫn chiếu đến khoản 2 Điều 123 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014: “Thẩm quyền giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài tại Tòa án được thực hiện theo quy định của BLTTDS”. Cụ thể, đương sự là người nước ngoài thường trú tại Việt Nam nhưng không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý giải quyết thì sẽ thuộc thẩm quyền của TAND cấp tỉnh (Điều 7 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP)

-Ngược lại, đương sự là người nước ngoài thường trú tại Việt Nam và có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý, giải quyết vụ việc sẽ thuộc thẩm quyền của tòa án nhân dân cấp huyện.

Thứ hai, Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam.

-Trong trường hợp này, Tòa án có thẩm quyền giải quyết là TAND cấp tỉnh

Thứ ba, Việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.

  • Lưu ý:

Đới với các trường hợp tại khoản 4 Điều 35 BLTTDS 2015, bao gồm: hủy việc kết hôn trái pháp luật, giải quyết việc ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con, về nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi và giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp huyện.

Trên đây là toàn bộ thông tin về Thẩm quyền giải quyết yêu cầu ly hôn, cảm ơn các bạn đã lựa chọn Công ty Luật TNHH Giang Anh. Nếu vẫn chưa thể xác định được Thẩm quyền giải quyết trong vụ việc cụ thể thông qua bài viết trên, bạn có thể liên hệ đến Công ty Luật TNHH Giang Anh qua các phương thức sau để được tư vấn và trợ giúp trong thời gian sớm nhất:
Hotline/Zalo: 0345 428 668.
Website: https://gianganhlaw.com
Fanpage: https://www.facebook.com/gal.attorneys

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *