Khi đời sống xã hội nâng cao thì đi kèm với nó là những gánh nặng trong công việc ngày càng gia tăng khiến con người phải chịu nhiều áp lực hơn về tiền bạc, vật chất làm ảnh hưởng ít nhiều đến đời sống tình cảm, tỷ lệ ly hôn cũng theo đó mà tăng nhanh hơn trong những năm gần đây. Ly hôn có thể phát sinh từ những bất đồng, mâu thuẫn cũng có đôi khi chính sự hiểu lầm nhỏ cũng khiến cả hai dắt nhau ra tòa. Tuy nhiên, ly hôn là một chuyện còn Tòa án có chấp nhận ly hôn hay không lại là một vấn đề khác. Với mục tiêu đảm bảo quyền lợi của con cái và hạnh phúc gia đình pháp luật đã đặt ra những trường hợp đặc biệt mà vợ chồng không được phép ly hôn. Hãy cùng khám phá những trường hợp đó trong bài viết dưới đây.
Theo khoản 14 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình 2014:“Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực của pháp luật”.
Theo đó, Tòa án là cơ quan duy nhất có trách nhiệm ra phán quyết chấm dứt quan hệ hôn nhân của vợ chồng.
Xong, bên cạnh những cặp vợ chồng được ly hôn theo đúng quy định pháp luật thì Tòa án vẫn đặt ra các trường hợp không được ly hôn như sau:
- Thứ nhất, chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Hiện nay, theo quy định tại khoản 3 của Điều 51 Luật Hôn Nhân và Gia Đình 2014 nhằm đảm bảo tâm sinh lý của người mẹ và sự phát triển đầy đủ của con, pháp luật nước ta đã hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng hay nói cách khác người chồng không được quyền ly hôn khi vợ đang mang thai, sinh con hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Trong trường hợp này, nếu người chồng vẫn cương quyết làm đơn ly hôn thì đương nhiên tòa án sẽ không thụ lý. Người chồng phải đợi đến khi người vợ sinh con xong và đứa trẻ trên 12 tháng tuổi mới được tiếp tục xin ly hôn.
Mặt khác, quy định này chỉ đặt ra đối với người chồng mà không hạn chế quyền ly hôn của người vợ. Điều đó có nghĩa, nếu người vợ muốn đơn phương ly hôn hoặc thuận tình ly hôn với chồng khi bản thân đang mang thai, đang nuôi con hoặc con dưới 12 tháng tuổi thì vẫn được Tòa án chấp nhận.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc xác định liệu vợ có đang thực sự chăm sóc, nuôi dưỡng con dưới 12 tháng hay không còn là một vấn đề gây mâu thuẫn trong một số trường hợp nhất định. Chẳng hạn như, đúng là người vợ đã sinh con dưới 12 tháng tuổi nhưng tại thời điểm đó đứa bé lại do ông bà nội/ngoại nuôi. Điều này đòi hỏi sự hiểu biết và giải quyết từ phía tòa án để đảm bảo tính công bằng và hợp lý trong việc quyết định việc đơn phương ly hôn.
- Thứ hai, không có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng.
Theo khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình: “Khi một trong hai bên yêu cầu ly hôn, nhưng việc hòa giải tại tòa án không thành công, tòa án sẽ giải quyết việc ly hôn nếu có căn cứ về hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ của vợ chồng”. Điều này áp dụng khi hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, cuộc sống chung không thể tiếp tục và mục tiêu hôn nhân không thể đạt được.
Trong đó, tại Điều 3 Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 quy định 16 hành vi sau đây là hành vi bạo lực gia đình, bao gồm:
- Hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng;
- Lăng mạ, chì chiết hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
- Cưỡng ép chứng kiến bạo lực đối với người, con vật nhằm gây áp lực thường xuyên về tâm lý;
- Bỏ mặc, không quan tâm; không nuôi dưỡng, chăm sóc thành viên gia đình là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc; không giáo dục thành viên gia đình là trẻ em;
- Kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới, giới tính, năng lực của thành viên gia đình;
- Ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh hoặc hành vi khác nhằm cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý;
- Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;
- Tiết lộ hoặc phát tán thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
- Cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng;
- Cưỡng ép trình diễn hành vi khiêu dâm; cưỡng ép nghe âm thanh, xem hình ảnh, đọc nội dung khiêu dâm, kích thích bạo lực;
- Cưỡng ép tảo hôn, kết hôn, ly hôn hoặc cản trở kết hôn, ly hỗn hợp pháp;
- Cưỡng ép mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi;
- Chiếm đoạt, hủy hoại tài sản chung của gia đình hoặc tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình;
- Cưỡng ép thành viên gia đình học tập, lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát tài sản, thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần hoặc các mặt khác;
- Cô lập, giam cầm thành viên gia đình;
- Cưỡng ép thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp trái pháp luật.
Đối với hành vi “vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng” được quy định tại các điều từ 17 đến Điều 23 Luật hôn nhân và Gia đình.
Vậy khi nào cuộc hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng?
Tại điều 8 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP hướng dẫn một số nội dung Luật hôn nhân và gia đình 2000 đã đưa ra hướng dẫn khá chi tiết về vấn đề này:
- Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau như người nào chỉ biết bổn phận người đó, bỏ mặc người vợ hoặc người chồng muốn sống ra sao thì sống, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.
- Vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau, như thường xuyên đánh đập, hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.
- Vợ chồng không chung thuỷ với nhau như có quan hệ ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình.
Ngoài ra, để có cơ sở nhận định đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được, thì phải căn cứ vào tình trạng hiện tại của vợ chồng đã đến mức trầm trọng như hướng dẫn tại điểm a.1 mục 8 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP. Nếu thực tế cho thấy đã được nhắc nhở, hoà giải nhiều lần, nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình hoặc vẫn tiếp tục sống ly thân, bỏ mặc nhau hoặc vẫn tiếp tục có hành vi ngược đãi hành hạ, xúc phạm nhau, thì có căn cứ để nhận định rằng đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được.
Thêm vào đó, mục đích của hôn nhân không đạt được là không có tình nghĩa vợ chồng; không bình đẳng về nghĩa vụ và quyền giữa vợ, chồng; không tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển mọi mặt.
Như vậy, trong tất cả các trường hợp, việc ly hôn là một quyết định nghiêm trọng, được xem xét kỹ lưỡng bởi các cơ quan pháp luật để đảm bảo rằng tất cả các quyền và lợi ích của những bên liên quan được bảo vệ một cách công bằng và khách quan. Qua việc đặt ra những hạn chế này, pháp luật Việt Nam thể hiện mục tiêu đảm bảo sự ổn định và hạnh phúc cho các gia đình, đồng thời thể hiện tôn trọng với giá trị gia đình và quan tâm đến những người yếu thế trong xã hội. Trên đây là quy định về trường hợp không được ly hôn theo quy định pháp luật, nếu các bạn còn vướng mắc về mặt pháp lý xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH GIANG ANH
Website: gianganhlaw.com
Email: gal.attorneys@gmail.com
Hotline: 0345 428 668
VPGD: P.311, Tòa nhà 142 Lê Duẩn, Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội