Nộp đơn ly hôn là bước đầu tiên trong quá trình thực hiện thủ tục ly hôn. Vậy nhưng, việc tưởng chừng đơn giản nhất này cũng có thể phát sinh những khó khăn khi thực hiện nếu bạn không nắm rõ các quy định của pháp luật. Nộp đơn ly hôn ở đâu? Nơi đăng ký kết hôn hay thường trú? Vụ việc cụ thể dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.
1. Tóm tắt vụ việc
Chị H và anh Nguyễn Văn K kết hôn năm 2017 và có một bé gái tên Q (sinh tháng 7/2017). Trong quá trình chung sống, vợ chồng chị H thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Anh K còn có hành vi bạo lực gia đình và hay có những hành động nhục mạ chị H như nhổ nước bọt, nhét tất bẩn vào mồm chị…Điều đó khiến chị cảm thấy bị xúc phạm. Hiện tại, chị đang đi làm ở nhà máy dệt may còn chồng chị đang thất nghiệp. Không còn muốn chung sống với người chồng bạo lực, không chăm lo cho gia đình, chị H mong muốn sớm được giải quyết ly hôn với chồng và được trực tiếp nuôi con.
Tuy nhiên, trong quá trình nộp đơn khởi kiện ly hôn, chị H lại không biết phải nộp tại tòa án nào. Anh K đã chuyển đến quận Hoàng Mai, không còn ở với mẹ con chị ở quận Thanh Xuân nữa. Việc anh chuyển khỏi nơi thường trú là quận Thanh Xuân khiến chị không biết nộp đơn ly hôn ở đâu. Ngoài ra, anh K cũng không đồng ý ly hôn và muốn được nuôi con. Chị H rất lo lắng vì quá trình ly hôn mới bước đầu đã khó khăn. Chị đã tìm đến luật sư và mong luật sư có thể giúp đỡ để chị được ly hôn và bảo vệ quyền, lợi ích cho mẹ con chị.
2. Nhận định của luật sư
Với vụ việc của chị H, luật sư đã đưa ra hướng giải quyết như sau: Về căn cứ ly hôn: Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về Ly hôn đơn phương như sau:
“Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.”
Từ trường hợp của chị H, xét thấy, anh K đã có hành vi bạo lực. Anh K cũng không làm tròn trách nhiệm của người chồng, người cha là chăm sóc gia đình khiến cho quan hệ hôn nhân rơi vào tình trạng nghiêm trọng. Do vậy, chị H hoàn toàn có căn cứ yêu cầu tòa án giải quyết cho ly hôn.
Về quyền nuôi con: Chị H và anh K có một con chung là cháu Q (13 tháng tuổi). Căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì: “Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi”
Do vậy, cháu Q sẽ được giao cho mẹ trực tiếp nuôi dưỡng, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Nếu so sánh về điều kiện giữa chị H và anh K thì chị H đang có lợi, bởi:
- Thứ nhất, về điều kiện chăm sóc: cháu Q hiện vẫn còn nhỏ, cần sự đùm bọc của gia đình và hơn nữa cháu lại là con gái nên việc ở với mẹ sẽ thuận tiện hơn cho việc chăm sóc cháu.
- Thứ hai, về mặt kinh tế: hiện nay chị H vẫn đi làm và có thu nhập ổn định, trong khi đó, anh K hiện tại đang không có việc làm. Do vậy, xét về điều kiện kinh tế chị H có lợi thế hơn anh K.
- Thứ ba, anh H có hành vị bạo lực gia đình nên cũng gặp bất lợi hơn khi Tòa xét tới yếu tố phẩm chất đạo đức của người trực tiếp nuôi con.
Về nơi nộp hồ sơ khởi kiện ly hôn: Theo thông tin chị H cung cấp, anh K đăng ký hộ khẩu thường trú tại quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội. Sau đó, anh K chuyển đi và hiện tại đang ở quận Hoàng Mai, Hà Nội. Theo Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc. Nơi cư trú có thể là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú.
Tuy nhiên, để rút ngắn thời gian giải quyết thì nên nộp đơn tại Tòa án nơi anh K hiện đang sinh sống. Do vậy, cần xác minh rõ anh K hiện có đăng ký tạm trú tại quận Hoàng Mai hay không. Nếu anh K đăng ký tạm trú tại đây, chị H có thể nộp đơn ly hôn tại quận Hoàng Mai để được giải quyết nhanh chóng.
Khi có ý định ly hôn, nhiều đương sự không biết phải nộp đơn ở đâu. Nhiều người cho rằng cần phải nộp đơn tại tòa án nơi hai vợ chồng đăng ký kết hôn hoặc nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của vợ, chồng. Theo Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự là Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc. Luật Cư trú hiện hành quy định: “Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú.”
Như vậy, khi ly hôn đơn phương, đương sự có thể nộp đơn tại nơi bị đơn thường trú hoặc tạm trú. Tuy nhiên, để việc tống đạt giấy tờ có hiệu quả và giảm bớt thời gian giải quyết, đương sự nên nộp đơn tại nơi ở hiện tại của bị đơn. Trong trường hợp này, cần có giấy xác nhận nơi cư trú của địa phương để làm căn cứ xác định thẩm quyền của Tòa án.
Trường hợp còn bất cứ câu hỏi nào chưa được giải đáp hoặc có thắc mắc cần tư vấn, trợ giúp của các luật sư, bạn có thể liên hệ với Công ty luật TNHH Giang Anh qua địa chỉ website: https://gianganhlaw.com hoặc Hotline tư vấn: 0345 428 668.