CHO NGƯỜI KHÁC MƯỢN GIẤY PHÉP ĐỂ CUNG CẤP DỊCH VỤ XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG BỊ PHẠT NHƯ THẾ NÀO?

Hiện nay, tình trạng doanh nghiệp thuê và cho thuê giấy phép để cung cấp dịch vụ xuất khẩu lao động diễn ra ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, đây là một hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật. Vậy người vi phạm sẽ bị xử phạt như thế nào? Hãy cùng Luật Giang Anh tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

Giấy phép cung cấp dịch vụ xuất khẩu lao động

Giấy phép cung cấp dịch vụ xuất khẩu lao động (hay Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài) là điều kiện để doanh nghiệp được phép hoạt dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, bởi đây là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Điều 10 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, điều kiện để được cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ xuất khẩu lao động bao gồm:
(i) Có vốn điều lệ từ 05 tỷ đồng trở lên; có chủ sở hữu, tất cả thành viên, cổ đông là nhà đầu tư trong nước theo quy định của Luật Đầu tư;
(ii) Đã ký quỹ theo quy định pháp luật;
(iii) Có người đại diện theo pháp luật là công dân Việt Nam, trình độ từ đại học trở lên và có ít nhất 05 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hoặc dịch vụ việc làm; không thuộc diện đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; không có án tích về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tội quảng cáo gian dối, tội lừa dối khách hàng, tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, tội cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép;
(iv) Có đủ số lượng nhân viên nghiệp vụ thực hiện các nội dung hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
(v) Có cơ sở vật chất của doanh nghiệp hoặc được doanh nghiệp thuê ổn định để đáp ứng yêu cầu giáo dục định hướng cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
(vi) Có trang thông tin điện tử.

Xử phạt hành vi thuê – cho thuê Giấy phép để cung cấp dịch vụ xuất khẩu lao động

Theo quy định tại khoản 5 Điều 7 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, sử dụng giấy phép của doanh nghiệp khác hoặc cho người khác sử dụng giấy phép của doanh nghiệp để hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là một trong những hành vi bị nghiêm cấm.

Căn cứ quy định tại khoản 10 Điều 42 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP:
“10. Phạt tiền từ 180.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng khi có một trong các hành vi sau đây:
a) Sử dụng Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của doanh nghiệp khác để tổ chức đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài;
b) Cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của doanh nghiệp mình để đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài”
Như vậy, một doanh nghiệp sử dụng giấy phép của doanh nghiệp khác để hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là hành vi bị cấm và sẽ bị phạt với mức tiền phạt từ 180.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng tùy thuộc vào mức độ vi phạm.

Trên đây là một số quy định pháp luật liên quan tới xử phạt hành vi cho người khác sử dụng giấy phép để cung cấp dịch vụ xuất khẩu lao động tại Việt Nam. Luật Giang Anh hy vọng những kiến thức trên mà chúng tôi cung cấp có thể giúp ích cho Quý Khách hàng.
Nếu còn bất cứ thắc mắc nào cần giải đáp hoặc cần tư vấn, vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH GIANG ANH
Website: gianganhlaw.com
Email: gal.attorneys@gmail.com
Hotline: 0345 428 668
VPGD: P.311, Tòa nhà 142 Lê Duẩn, Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *