HẠN CHẾ CHIA THỪA KẾ TRONG TRƯỜNG HỢP NÀO?

Câu hỏi:

Trước khi kết hôn, chồng tôi có mua được căn chung cư có diện tích là 50m2. Căn chung cư này là tài sản trước hôn nhân của chồng tôi. Sau khi tôi sinh được 1 năm thì chồng tôi mất và không để lại di chúc, căn chung cư ấy là chỗ ở duy nhất của mẹ con tôi. Bố mẹ chồng tôi vẫn còn và chồng tôi cũng có một người chị gái nữa. Vì vậy, tôi muốn hỏi là căn chung ấy có phải phân chia thừa kế cho những người khác không? Mong Luật sư giải đáp cho tôi vấn đề này.

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho GAL. Đối với thắc mắc của bạn, GAL xin đưa ra trả lời như sau:
Di sản thừa kế là tài sản mà người qua đời để lại cho người thừa kế. Việc phân chia di sản thừa kế được thực hiện theo di chúc hoặc theo pháp luật về thừa kế. Tuy nhiên, có không ít trường hợp không có di chúc hoặc có di chúc nhưng di chúc không đề cập đến thời điểm phân chia di sản, dẫn đến các đồng thừa kế (bố mẹ, con riêng của người để lại di sản,…) yêu cầu chia di sản thừa kế nhưng việc phân chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người còn sống. Pháp luật Việt Nam quy định thế nào về vấn đề này. Hãy cùng Giang Anh Law tìm hiểu qua bài viết sau.

Di sản thừa kế bị hạn chế phân chia là gì?

Di sản thừa kế bị hạn chế phân chia là tình huống mà việc phân chia tài sản của người đã mất để lại cho người thừa kế không thể được thực hiện ngay tại thời điểm mở thừa kế mà phải đợi một khoảng thời gian theo sự thỏa thuận hoặc theo quy định pháp luật mới được thực hiện việc phân chia di sản, đảm bảo quyền, lợi ích của các bên.

Các trường hợp di sản thừa kế không được phân chia

Căn cứ theo Điều 661 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hạn chế chia di sản:
– Trường hợp theo ý chí của người lập di chúc hoặc theo thỏa thuận của tất cả những người thừa kế, di sản chỉ được phân chia sau một thời hạn nhất định thì chỉ khi đã hết thời hạn đó di sản mới được đem chia.
– Trường hợp yêu cầu chia di sản thừa kế mà việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình thì bên còn sống có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia di sản trong một thời hạn nhất định. Thời hạn này không quá 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn 03 năm mà bên còn sống chứng minh được việc chia di sản vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gia đình họ thì có quyền yêu cầu Tòa án gia hạn một lần nhưng không quá 03 năm.
Theo quy định tại Điều 661 Bộ luật Dân sự 2015, việc hạn chế phân chia di sản chỉ đặt ra nếu việc phân chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình. Và người có quyền yêu cầu hạn chế phân chia di sản thừa kế là vợ hoặc chồng còn sống mà không phải bất kỳ người thừa kế nào cũng được quyền yêu cầu này.

 Hạn chế phân chia di sản trong trường hợp việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống.

Ngoài Điều 661 Bộ luật Dân sự 2015, quy định về việc hạn chế phân chia di sản trong trường hợp việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống còn được quy định tại khoản 3 Điều 66 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:“Trong trường hợp việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của vợ hoặc chồng còn sống, gia đình thì vợ, chồng còn sống có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế phân chia di sản theo quy định của Bộ luật dân sự.”
Căn cứ Điều 5 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn nội dung về quyền thừa kế tài sản giữa vợ chồng (Khoản 3 Điều 31 Luật Hôn nhân và gia đình) quy định
“Việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình theo quy định tại khoản 3 Điều 66 của Luật Hôn nhân và gia đình và Điều 661 của Bộ luật Dân sự là trường hợp người chết có để lại di sản, nhưng nếu chia di sản này cho người thừa kế thì vợ hoặc chồng còn sống và gia đình gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống như: không có chỗ ở, mất nguồn tư liệu sản xuất duy nhất…”

Như vậy, đối với trường hợp của bạn, di sản là căn chung thuộc tài sản riêng của chồng bạn. Khi chồng bạn mất đi không để lại di chúc thì những người thừa kế theo pháp luật và được phân chia di sản do chồng bạn để lại gồm bố mẹ chồng, bạn và con chung của hai vợ chồng (chị gái của chồng không thuộc hàng thừa kế thứ 1). Tuy nhiên, nếu căn chung cư không thể chia đều bằng hiện hiện và hiện nay lại là nơi ở duy nhất của hai mẹ con, bạn và con bạn không có đủ điều kiện về kinh tế để có thể thanh toán bằng tiền mặt cho những người thừa kế thì đây được xem là ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên còn sống và gia đình. Trường hợp này, bạn có thể yêu cầu Tòa án hạn chế phân chia di sản theo quy định của Bộ luật dân sự.

Trên đây là toàn bộ thông tin liên quan về trường hợp hạn chế chia di sản thừa kế nếu việc chia làm ảnh hưởng trầm trọng đến cuộc sống của người con sống. Nếu như các bạn còn thắc mắc hay bất kỳ câu hỏi nào chưa được giải đáp, hãy liên hệ ngay đến Công ty Luật TNHH Giang Anh qua các phương thức sau để được tư vấn và trợ giúp trong thời gian sớm nhất:
CÔNG TY LUẬT TNHH GIANG ANH
Mọi thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:
📁 Website: gianganhlaw.com
📬 Email: gal.attorneys@gmail.com
📞 Hotline: 0345 428 668
🏬 VPGD: P.311, Tòa nhà 142 Lê Duẩn, Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *