Mục Lục
Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước phát sinh khi cơ quan hoặc người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, nhiều người gặp khó khăn khi không biết gửi hồ sơ yêu cầu bồi thường đến đâu. Hãy cùng Giang Anh Law tìm hiểu rõ hơn qua bài viết dưới đây để giúp bạn xác định cơ quan có thẩm quyền và quy trình gửi hồ sơ theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017.
Cơ quan có thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi thường
Theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017, thẩm quyền giải quyết bồi thường phụ thuộc vào lĩnh vực và hành vi gây thiệt hại.Căn cứ theo khoản 7 Điều 3 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 quy định như sau: “Cơ quan giải quyết bồi thường là cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hoặc Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật về tố tụng.”
Nếu theo như quy định trên, người yêu cầu bồi thường phải xác định được cơ quan có thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi thường và gửi đơn yêu cầu kèm theo tài liệu chứng minh đến đúng cơ quan có thẩm quyền để giải quyết. Tuy nhiên, việc xác định được đúng cơ quan có thẩm quyền không phải lúc nào cũng dễ dàng đối với người dân khi mà sự am hiểu các quy định của pháp luật còn có sự hạn chế. Ngoài ra, trong một vụ việc thường liên quan đến nhiều cơ quan, ban ngành nên đôi khi còn có thể xảy ra sự chồng chéo và lúng túng khi không xác định được cơ quan có trách nhiệm chính trong việc giải quyết yêu cầu.
Vậy trong những trường như vậy, người yêu cầu nên làm gì? Câu trả lời sẽ được đưa ra tại mục 2 dưới đây.
Giải pháp khi không xác định được cơ quan có thẩm quyền giải quyết yêu cầu trách nhiệm bồi thường nhà nước
Căn cứ Điều 41 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017, trong trường hợp người yêu cầu không xác định được cơ quan có thẩm quyền giải quyết yêu cầu trách nhiệm bồi thường nhà nước thì có thể gửi đơn yêu cầu đến Sở tư pháp nơi người bị thiệt hại cư trú hoặc có trụ sở. Cụ thể khoản 4 Điều 41 quy định: “4. Người yêu cầu bồi thường nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính tới cơ quan giải quyết bồi thường.
Trường hợp chưa xác định ngay được cơ quan giải quyết bồi thường, người yêu cầu bồi thường nộp hồ sơ đến Sở Tư pháp nơi người bị thiệt hại cư trú hoặc có trụ sở. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, Sở Tư pháp có trách nhiệm xác định cơ quan giải quyết bồi thường, chuyển hồ sơ đến cơ quan giải quyết bồi thường và thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu bồi thường”.
Để cụ thể hóa quy định nêu trên, Điều 33 Nghị định 68/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cũng có quy định hướng dẫn và chia làm nhiều trường hợp
– Trường hợp chỉ có một cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Tư pháp có trách nhiệm gửi hồ sơ cho cơ quan giải quyết bồi thường để thụ lý, giải quyết.
– Trường hợp có nhiều người thi hành công vụ thuộc nhiều cơ quan cùng gây thiệt hại: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Tư pháp xác định cơ quan giải quyết bồi thường như sau:
a) Trao đổi với các cơ quan có liên quan đến vụ việc yêu cầu bồi thường để thống nhất cơ quan giải quyết bồi thường;
b) Khi xác định được cơ quan giải quyết bồi thường thì Sở Tư pháp gửi hồ sơ cho cơ quan đó để thụ lý, giải quyết.
– Trường hợp việc xác định cơ quan giải quyết bồi thường trong điểm a, b khoản 1 Điều 40: Sở Tư pháp gửi ngay hồ sơ đến cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước có thẩm quyền để xác định cơ quan giải quyết bồi thường
Cụ thể trường hợp quy định tại Điểm a, b khoản 1 Điều 40 là trường hợp:
“a) Trường hợp cơ quan giải quyết bồi thường đã được chia, tách, sáp nhập, hợp nhất hoặc bị giải thể thì cơ quan kế thừa chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đó là cơ quan giải quyết bồi thường; trường hợp không có cơ quan nào kế thừa chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đã bị giải thể thì cơ quan đã ra quyết định giải thể là cơ quan giải quyết bồi thường; trường hợp cơ quan đã ra quyết định giải thể là Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước có thẩm quyền xác định cơ quan giải quyết bồi thường;
b) Trường hợp có nhiều người thi hành công vụ thuộc nhiều cơ quan cùng gây thiệt hại thì cơ quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ là cơ quan giải quyết bồi thường; trường hợp không có sự thống nhất về cơ quan giải quyết bồi thường thì cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước có thẩm quyền xác định cơ quan giải quyết bồi thường;”
Tóm lại, trong trường hợp người yêu cầu bồi thường chưa xác định được cơ quan nào là cơ quan giải quyết bồi thường, họ có thể gửi đơn yêu cầu đến Sở Tư pháp nơi người yêu cầu cư trú hoặc nơi xảy ra thiệt hại. Sở Tư pháp sẽ có trách nhiệm hướng dẫn và chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết bồi thường trong thời gian quy định. Điều này giúp đảm bảo người bị thiệt hại có thể thực hiện quyền yêu cầu bồi thường ngay cả khi chưa rõ ràng về cơ quan có trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên, người yêu cầu vẫn nên ưu tiên xác định cơ quan có thẩm quyền giải quyết ngay từ ban đầu để đơn yêu cầu được giải quyết một cách nhanh nhất và trực tiếp. Có rất nhiều cách để bạn có thể xác định được thông qua quy định của pháp luật hoặc tư vấn trực tiếp từ Luật sư. Trong quá trình tư vấn, Luật sư không chỉ đưa ra tư vấn về thẩm quyền mà còn có thể hướng dẫn bạn soạn đơn, đưa ra yêu cầu sao cho đúng, đầy đủ, đảm bảo quyền lợi về mọi mặt cho bạn.
Trên đây là toàn bộ thông tin liên quan đến việc Muốn yêu cầu trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nhưng không biết gửi đến đâu. Nếu như các bạn còn thắc mắc hay bất kỳ câu hỏi nào chưa được giải đáp, hãy liên hệ ngay đến Công ty Luật TNHH Giang Anh qua các phương thức sau để được tư vấn và trợ giúp trong thời gian sớm nhất:
CÔNG TY LUẬT TNHH GIANG ANH
Mọi thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:
📁 Website: gianganhlaw.com
📬 Email: gal.attorneys@gmail.com
📞 Hotline: 0345 428 668
🏬 VPGD: Tầng 2, Số 8 Tạ Quang Bửu, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Tp. Hà Nội