YÊU CẦU TÒA ÁN KHÔNG CÔNG NHẬN QUAN HỆ CHA CON

Hiện nay, có nhiều trường hợp cha hoặc mẹ theo giấy tờ muốn tiến hành thủ tục không công nhận quan hệ cha con, do nhiều lý do khác nhau. Những trường hợp phổ biến bao gồm: con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân nhưng không phải con chung của vợ chồng; mong muốn nhận lại con ruột nhưng giấy khai sinh lại mang tên người cha khác….. Nếu bạn gặp phải tình huống liên quan đến việc công nhận hoặc không công nhận quan hệ cha – con, mẹ – con và muốn biết về thẩm quyền, thủ tục yêu cầu không công nhận quan hệ cha con, Giang Anh Law sẽ giúp bạn tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Căn cứ pháp lý về quyền không công nhận quan hệ cha, con

Khoản 2 Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: “Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.”
Cùng đó, tại khoản 2 Điều 89 Luật này quy định: “Người được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó không phải là con mình.”
Nếu không muốn thừa nhận con thì cha mẹ có thể gửi yêu cầu đến Toà án và cung cấp chứng cứ để Tòa án xác nhận người con không phải con chung của hai vợ chồng.

Một số trường hợp đứa trẻ được xác định là con chung của vợ, chồng:

Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp người vợ mang thai con của người khác mà không phải là chồng mình, người chồng biết rõ điều đó, thậm chí có giấy xét nghiệm chứng minh. Tuy nhiên, căn cứ theo quy định của pháp luật thì trong một số trường hợp, đứa trẻ mặc nhiên được xác định là con chung của hai vợ chồng trên giấy khai sinh. Cụ thể các trường hợp đó là:

  • Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
  • Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
  • Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.

Do đó, khi một người thuộc một trong ba trường hợp nêu trên sẽ được xác định là con chung của vợ, chồng. Để thay đổi nội dung đó thì buộc người chồng phải thực hiện thủ tục tại Tòa án để yêu cầu không công nhận quan hệ cha con.
Ngoài ra, quy định được hướng dẫn tại khoản b Điều 5 của Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP như sau:
“b. Theo quy định tại khoản 2 Điều 63 và Điều 64, khi có người yêu cầu Tòa án xác định một người nào đó là con của họ hay không phải là con của họ thì phải có chứng cứ; do đó về nguyên tắc người có yêu cầu phải cung cấp chứng cứ. Trong trường hợp cần thiết thì phải giám định gien. Người có yêu cầu giám định gien phải nộp lệ phí giám định gien.”
Như vậy, căn cứ hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao này, khi một trong hai vợ chồng không muốn thừa nhận con chung thì phải cung cấp được bằng chứng cho thấy người con không phải con họ. Thông thường, bằng chứng trong trường hợp này sẽ là xét nghiệm ADN.

Thẩm quyền giải quyết

Thẩm quyền giải quyết thủ tục không công nhận cha con thuộc về Tòa án nhân dân. Và sẽ chia làm hai trường hợp như sau:
Giải quyết tại Tòa án cấp huyện nơi bị đơn cư trú: Được thực hiện trong trường hợp vụ việc không có yếu tố nước ngoài.
Giải quyết tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi bị đơn cư trú: Được thực hiện trong trường hợp vụ việc có yếu tố nước ngoài.

Thủ tục không công nhận cha con

Thủ tục không công nhận cha con được thực hiện theo quy trình khởi kiện vụ án thông thường như sau:
Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ và nộp hồ sơ khởi kiện không công nhận cha con.
Dựa trên các quy định pháp luật có liên quan, cần những giấy tờ sau:
– Đơn khởi kiện không công nhận con.
– Giấy tờ của người khởi kiện, người bị kiện và người liên quan trong hồ sơ: CCCD, giấy tờ xác nhận cư trú.
– Giấy khai sinh con (bản sao);
– Chứng cứ chứng minh: Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác/ không công nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.
Trong một số trường hợp cụ thể, người làm đơn có thể phải bổ sung thêm một số giấy tờ: Đăng ký kết hôn, bản án/quyết định ly hôn của Tòa án…
Bước 2. Hồ sơ được kiểm tra và xử lý theo hai hướng:
– Thực hiện thủ tục hòa giải tại trung tâm hòa giải, đối thoại. Thủ tục này áp dụng nếu các bên có yêu cầu hòa giải;
– Không thực hiên thủ tục hòa giải và chuyển hồ sơ để Tòa án thụ lý. Thủ tục này được áp dụng khi các bên từ chối thủ tục hòa giải.
Bước 3. Tòa án kiểm tra và thực hiện các thủ tục để thụ lý hồ sơ khởi kiện.
Lưu ý: Tòa án chỉ thụ lý hồ sơ nếu đáp ứng các điều kiện:
– Người khởi kiện có quyền yêu cầu không công nhận cha con;
– Hồ sơ được nộp tại Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật;
– Hồ sơ đã đúng và đầy đủ.
Nếu đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên, Tòa án ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí. Người khởi kiện thực hiện nghĩa vụ tài chính để Tòa án chính thức thụ lý vụ án.
Bước 4. Giai đoạn chuẩn bị xét xử.
Trong giai đoạn này, Tòa án sẽ tiến hành các công việc cần thiết, như: lấy lời khai, thu thập chứng cứ, trưng cầu giám định, hòa giải….để giải quyết vụ việc.
Bước 5. Mở phiên Tòa xét xử.
Sau khi đã tiến hành các hoạt động tố tụng cần thiết và việc thu thập tài liệu chứng cứ đã đầy đủ, nếu các đương sự không hòa giải được với nhau thì Tòa án sẽ mở phiên tòa để xét xử, giải quyết vụ án.

Trên đây là toàn bộ thông tin liên quan đến vấn đề không công nhận quan hệ cha con. Nếu như các bạn còn thắc mắc hay bất kỳ câu hỏi nào chưa được giải đáp, hãy liên hệ Công ty Luật TNHH Giang Anh qua các phương thức sau để được tư vấn và trợ giúp trong thời gian sớm nhất:
CÔNG TY LUẬT TNHH GIANG ANH
Mọi thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:
📁 Website: gianganhlaw.com
📬 Email: gal.attorneys@gmail.com
📞 Hotline: 0345 428 668
🏬 VPGD: P.311, Tòa nhà 142 Lê Duẩn, Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *