Mục Lục
- 1 Tìm và nghiên cứu lại Hợp đồng tín dụng và Hợp đồng thế chấp đã ký kết với tổ chức tín dụng
- 2 Có văn bản, đơn thư kiến nghị gửi tổ chức tín dụng và các đơn vị liên quan
- 3 Đàm phán, thương thảo với tổ chức tín dụng
- 4 Khởi kiện tại Tòa án
- 5 Nhanh chóng đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn khi có căn cứ.
Thông thường, trong quy trình xử lý tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng, thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm là bước đầu tiên. Ngay khi nhận được Thông báo này, nếu không muốn bị xử lý tài sản, bên bảo đảm cần phải gấp rút thực hiện ngay các công việc cần thiết để tạm dừng việc xử lý. Luật Giang Anh xin cung cấp bài viết về các biện pháp hữu ích để dừng xử lý tài sản bảo đảm sau đây.
Theo đó, trong trường hợp Quý Khách hàng nhận được Thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng, các công việc mà Quý Khách hàng cần thiết phải thực hiện ngay là:
Tìm và nghiên cứu lại Hợp đồng tín dụng và Hợp đồng thế chấp đã ký kết với tổ chức tín dụng
Trước tiên, Quý Khách hàng cần đọc kỹ lại các điều khoản trong hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp để xác định việc thu hồi và xử lý nợ có đúng với quy định pháp luật và thỏa thuận của các bên hay không.
* Về mặt nội dung, cần xem xét kỹ các điều khoản về thời hạn khoản vay, điều kiện phát sinh việc thu hồi nợ trước hạn (nếu có), căn cứ thu hồi nợ,…
* Về mặt hình thức, cần xem xét kỹ các điều khoản về quy trình, thủ tục thanh toán nợ gốc, nợ lãi, quy trình thu hồi khoản vay và xử lý tài sản bảo đảm.
Sau khi xem xét, Quý Khách hàng cần tìm hiểu quy định của pháp luật, tiến hành đối chiếu với thực tế để:
Thứ nhất, đánh giá khả năng vô hiệu của các hợp đồng nếu việc ký kết trước đây không đảm bảo các quy định, điều kiện làm phát sinh hiệu lực của hợp đồng;
Thứ hai, đánh giá nghĩa vụ nợ phát sinh có thuộc trong phạm vi nghĩa vụ được bảo đảm hay không. Vì trên thực tế, không phải lúc nào Ngân hàng cũng xác định và xử lý đúng;
Thứ ba, đánh giá chính xác các tài sản Ngân hàng được phép xử lý để thu hồi nợ. Đặc biệt, đối với tài sản thế chấp là bất động sản thường có sự biến động về tài sản trên đất hoặc trong quá trình thẩm định cho vay chưa được ghi nhận đầy đủ. Ví dụ, tại thời điểm ký kết hợp đồng vay, tài sản thế chấp bảo đảm khoản vay là quyền sử dụng đất. Sau thời điểm này, chủ sử dụng đất mới xây nhà và công trình trên đất. Do đó, khi xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi khoản vay, tổ chức tín dụng chỉ được xử lý đối với phần đất và phải đảm bảo quyền và nghĩa vụ hợp pháp đối với chủ sở hữu và những người sinh sống tại công trình trên đất.
Có văn bản, đơn thư kiến nghị gửi tổ chức tín dụng và các đơn vị liên quan
Trong trường hợp phát hiện ra những sai phạm từ phía tổ chức tín dụng liên quan đến các điều kiện, quy trình thu hồi nợ, xử lý tài sản bảo đảm, Quý Khách hàng cần kịp thời có những văn bản kiến nghị gửi đến tổ chức tín dụng để yêu cầu làm rõ các nội dung chưa phù hợp. Tiếp theo đó, Quý Khách hàng cũng cần có văn bản gửi đến các đơn vị liên quan, nêu các căn cứ pháp lý và lý do để tạm dừng quy trình xử lý tài sản bảo đảm. Ví dụ, trong trường hợp tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, khi tổ chức tín dụng ra thông báo xử lý, sau đó tiến hành các thủ tục định giá, bán đấu giá tài sản, thì Quý Khách hàng cần có văn bản gửi đến đơn vị đấu giá, nêu rõ lý do để đề nghị họ tạm dừng hoạt động đấu giá tài sản.
Đàm phán, thương thảo với tổ chức tín dụng
Trong trường hợp sau nghi nghiên cứu, đánh giá và xác định việc thu hồi nợ của Ngân hàng đúng và đảm bảo quy định của pháp luật, hoặc không có những vi phạm làm ảnh hưởng trực tiếp đến tính hiệu lực của Hợp đồng thì Quý Khách hàng nên lựa chọn phương án đối thoại với phía tổ chức tín dụng. Cần thiết trong việc tiến hành thương thảo và thỏa thuận với Ngân hàng để xin miễn/giảm một phần nghĩa vụ, đề xuất phương án trả nợ phù hợp khả năng và cân bằng được lợi ích của đôi bên. Ở giai đoạn này, Quý Khách hàng nên tìm cho mình một người đồng hành có kinh nghiệm, hiểu biết và nắm rõ quy định của pháp luật để đứng ra làm việc, nhằm đảm bảo tối đa lợi ích có thể đạt được. Nên tránh các cuộc tranh luận không đáng có đưa ra những lý lẽ, căn cứ không thuyết phục, không có vai trò quyết định trong quá trình thương thảo, bởi điều này sẽ làm ảnh hưởng đến hiệu quả của quá trình thỏa thuận khi phía tổ chức tín dụng đánh giá sự không thiện chí từ phía khách hàng vay.
Khởi kiện tại Tòa án
Trong trường hợp không thể thương thảo hoặc có căn cứ rõ ràng cho thấy Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng thế chấp có khả năng bị tuyên vô hiệu, bị hủy bỏ hoặc không có khả năng thực hiện, có vi phạm trong quá trình xét duyệt khoản vay, giải ngân, nhận thế chấp tài sản bảo đảm… thì phải khởi kiện ngay đến Tòa án có thẩm quyền để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho mình. Trên thực tế, có nhiều trường hợp, Tòa án đã tuyên Hợp đồng thế chấp vô hiệu. Hoặc, nếu Tòa án chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện, đưa ra những phán quyết có lợi cho bên bảo đảm, đồng nghĩa với việc phía Ngân hàng, các tổ chức tín dụng sẽ ít nhiều gặp khó khăn trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm. Điều này cũng có thể trở thành chìa khóa và bàn đạp để Quý Khách hàng và tổ chức tín dụng có thể quay lại bàn đàm phán và đạt được thỏa thuận cuối cùng.
Nhanh chóng đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn khi có căn cứ.
Trong quá trình thực hiện các bước trên, khi phát hiện ra tổ chức tín dụng có những sai phạm trong quá trình cho vay, thanh toán, thu hồi khoản vay, xử lý tài sản, mà những sai phạm này dẫn đến việc xử lý tài sản bảo đảm có khả năng gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên bảo đảm, Quý Khách hàng cần nhanh chóng có văn bản gửi đến cơ quan có thẩm quyền để chỉ ra các căn cứ đề nghị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Các biện pháp có thể đề nghị áp dụng là: cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp, cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp,…
Tóm lại: Với những quan hệ tranh chấp về Dân sự nói chung và xử lý nợ nói riêng thì Hòa giải luôn là giải pháp tốt nhất cho các bên. Việc hòa giải chỉ đạt được kết quả khi phương án đưa ra hợp tình, hợp lý, cân bằng được lợi ích đôi bên và trên tinh thần thiện chí. Vì thế tuyệt đối tránh gây ra những sự căng thẳng không đáng có làm ảnh hưởng đến quá trình giải quyết, đặc biệt nếu trong trường hợp người vay không có bất kỳ căn cứ nào để bảo vệ quyền lợi cho mình. Để làm được điều này thì người giải quyết bắt buộc phải đánh giá đúng được tình hình để lựa chọn phương thức và thái độ giải quyết đúng đắn. Luật Giang Anh đã từng nhiều lần thành công ngoạn mục khi xoay chuyển hoàn toàn tình thế cho Khách hàng đứng trước nguy cơ tài sản bị kê biên, giảm thiểu thiệt hại từ 3 đến 5 lần so với số tiền mà Khách hàng cần phải thanh toán tại thời điểm thu hồi nợ. Do đó, Luật Giang Anh tự tin là đơn vị đồng hành đáng tin cậy của Quý Khách hàng trong giải quyết các vụ việc liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.
Nếu còn bất cứ thắc mắc nào cần giải đáp hoặc có khó khăn trong quá trình giải quyết, hãy liên hệ ngay:
CÔNG TY LUẬT TNHH GIANG ANH
Website: gianganhlaw.com
Email: gal.attorneys@gmail.com
Hotline: 0345 428 668
VPGD: P.311, Tòa nhà 142 Lê Duẩn, Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội