NẾU KHÔNG ĐỒNG Ý VỚI KẾT QUẢ ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN THÌ PHẢI LÀM GÌ?

Định giá tài sản là một trong các bước của quy trình xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ của Ngân hàng. Đây là hoạt động nhằm mục đích xác định chính xác giá trị tài sản để bán đấu giá, thực hiện nghĩa vụ trả nợ của người bị xử lý tài sản. Vì vậy, việc định giá chính xác tài sản có ý nghĩa vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của các bên. Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp giải quyết tranh chấp về xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, đến giai đoạn định giá tài sản, một hoặc cả hai bên tranh chấp không đồng ý với kết quả định giá. Vậy trong trường hợp này, cần làm gì để đảm bảo tối đa lợi ích của mình, Luật Giang Anh xin mời Quý Khách hàng tham khảo bài viết sau đây.

Quy định pháp luật về định giá tài sản

Theo quy định pháp luật tại Điều 98 Luật Thi hành án dân sự, định giá tài sản được chia thành các trường hợp cụ thể như sau:
Trường hợp 01: Đương sự thỏa thuận được về giá tài sản: Trong trường hợp này, Chấp hành viên sẽ lập biên bản về thỏa thuận đó, và giá này sẽ là giá khởi điểm để bán đấu giá tài sản.
Trường hợp 02: Đương sự không thỏa thuận được về giá tài sản: Theo đó, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kê biên tài sản, Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản kê biên.
Các trường hợp liên quan đến việc đương sự không thỏa thuận và lựa chọn được tổ chức định giá, hoặc trường hợp Chấp hành viên tiến hành định giá tài sản khi có yêu cầu thi hành án theo Quyết định thi hành án của cơ quan có thẩm quyền, thì được giải quyết tương tự trường hợp 02 nêu trên.
Trường hợp 03: Chấp hành viên xác định giá. Khi không thực hiện được việc ký hợp đồng dịch vụ theo trường hợp 02, hoặc tài sản kê biên thuộc loại tươi sống, mau hỏng hoặc có giá trị nhỏ mà đương sự không thỏa thuận được với nhau về giá.
Trong thực tiễn, đối với trường hợp đương sự thỏa thuận được với nhau về giá thì ít khi xảy ra tranh chấp. Ngược lại, đối với các trường hợp còn lại thì thường xuyên có sự không đồng tình của một hoặc cả hai bên đương sự với giá đã định, cho rằng giá quá cao hoặc giá quá thấp, không phù hợp với giá thực tế trên thị trường.

Cách thức giải quyết khi không đồng ý với kết quả định giá tài sản

Yêu cầu định giá lại tài sản

Theo quy định tại khoản 8 Điều 2 Thông tư 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 01/8/2016, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả định giá, Chấp hành viên thông báo cho đương sự quyền yêu cầu định giá lại. Như vậy, sau khi nhận được kết quả định giá, đương sự có quyền yêu cầu định giá lại tài sản nếu không đồng ý với giá đã thẩm định.
Tuy nhiên, việc định giá lại chỉ được thực hiện khi thuộc một trong hai trường hợp:
(i) Chấp hành viên có vi phạm nghiêm trọng trong quy trình định giá tài sản dẫn đến sai lệch kết quả định giá; hoặc
(ii) Đương sự có yêu cầu định giá lại trước khi có thông báo công khai về việc bán đấu giá tài sản. Yêu cầu định giá lại chỉ được thực hiện một lần và chỉ được chấp nhận nếu đương sự có đơn yêu cầu trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo về kết quả thẩm định giá và phải nộp ngay tạm ứng chi phí định giá lại tài sản.
Như vậy, việc định giá lại chỉ được thực hiện một lần và người yêu cầu phải chứng minh yêu cầu định giá lại của mình là có căn cứ để được chấp nhận, phù hợp với quy định pháp luật.
Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều trường hợp mặc dù đã tiến hành định giá lại nhưng đương sự vẫn không đồng ý với giá tài sản, do đó, cách thức để giải quyết vấn đề này đó là khiếu nại tại cơ quan có thẩm quyền.

Khiếu nại kết quả định giá tài sản

Khiếu nại đến tổ chức định giá

Căn cứ các quy định tại:
– Điểm d khoản 2 Điều 37 Luật giá: Thẩm định viên về giá hành nghề có nghĩa vụ “giải trình hoặc bảo vệ kết quả thẩm định giá do mình thực hiện với khách hàng thẩm định giá hoăc bên thứ 3 sử dụng kết quả thẩm định giá không phải là khách hàng thẩm định giá nhưng có ghi trong hợp đồng thẩm định giá khi có yêu cầu”;
– Điểm c khoản 2 Điều 42 Luật giá: Doanh nghiệp thẩm định giá có nghĩa vụ “chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, khách quan của kết quả thẩm định giá”.
Theo đó, trong trường hợp này, đương sự có quyền gửi văn bản yêu cầu về việc giải trình kết quả định giá của tổ chức định giá. Trong trường hợp tổ chức định giá từ chối giải trình với lý do đương sự không phải người trực tiếp ký kết hợp đồng dịch vụ với họ (mà là Chấp hành viên), hoặc đương sự không phải bên thứ ba được quy định trong hợp đồng dịch vụ, thì đương sự có thể có văn bản đề nghị Chi cục Thi hành án dân sự, để họ có văn bản yêu cầu cơ quan thẩm định giá giải trình kết quả thẩm định. Trên cơ sở giải trình, Chi cục thi hành án sẽ có văn bản trả lời đương sự.

Khiếu nại tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền

Trong trường hợp kết quả định giá sai lệch do thiếu sót, vi phạm về mặt chuyên môn của Chấp hành viên, thì thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc về cơ quan thi hành án dân sự theo quy định tại Điều 142 Luật Thi hành án dân sự. Tuy nhiên, phạm vi công việc của Chấp hành viên chủ yếu liên quan đến các đầu việc trước và sau khi có kết quả thẩm định giá, hầu như không có vai trò, chức năng trong việc xác định giá tài sản. Vì vậy, các khiếu nại, tố cáo về kết quả thẩm định giá thường không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan thi hành án dân sự, mà thuộc thẩm quyền giải quyết của tổ chức định giá và cơ quan quản lý nhà nước về giá.
Theo Điều 8 Luật giá, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá trên phạm vi cả nước; Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá; Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá trong lĩnh vực được pháp luật quy định; Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá tại địa phương theo quy định của pháp luật.
Như vậy, cấp thấp nhất có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo về kết quả thẩm định giá là UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Cụ thể, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan này là:
(i) Thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động thẩm định giá thuộc phạm vi quản lý của địa phương;
(ii) Phân công và tổ chức thực hiện thẩm định giá tài sản nhà nước quy định tại Khoản 2 Điều 31 và Điều 44 của Luật giá thuộc địa phương quản lý theo quy định về phân cấp quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, phân cấp quản lý ngân sách nhà nước và quy định của pháp luật có liên quan;
(iii) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về thẩm định giá thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
Vì vậy, khi phát hiện có sai phạm nghiêm trọng trong quá trình định giá tài sản, dẫn đến giá tài sản không phù hợp với giá thị trường và quy định của pháp luật, đương sự có thể gửi văn bản tố cáo, khiếu nại đến tổ chức định giá và cơ quan quản lý nhà nước về giá để giải quyết theo thẩm quyền.

Trên đây là toàn bộ thông tin liên quan đến các cách thức có thể sử dụng khi không đồng ý với kết quả định giá tài sản mà Luật Giang Anh nghiên cứu và tổng hợp được. Luật Giang Anh hy vọng những kiến thức trên mà chúng tôi cung cấp có thể giúp ích cho Quý Khách hàng.
Nếu còn bất cứ thắc mắc nào cần giải đáp hoặc cần tư vấn, vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH GIANG ANH
Website: gianganhlaw.com
Email: gal.attorneys@gmail.com
Hotline: 0345 428 668
VPGD: P.311, Tòa nhà 142 Lê Duẩn, Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *