Một trong những vấn đề quan trọng cần phải giải quyết trong các vụ án ly hôn chính là quyền nuôi con. Xuất phát từ tình cảm và trách nhiệm nên những cuộc tranh đua giành quyền nuôi con thường khá quyết liệt. Dựa vào những quy định của pháp luật cũng như phụ thuộc từng trường hợp cụ thể mà vấn đề này có những cách giải quyết khác nhau. Bài viết sau sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc: Khi ly hôn, quyền nuôi con dưới 7 tuổi thuộc về ai?
Cơ sở pháp lý
Việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục con sau khi vợ, chồng ly hôn được quy định tại điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau:
Đối với con dưới 36 tháng tuổi: do người vợ trực tiếp nuôi dưỡng. Chồng được nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi cả hai vợ, chồng đã có thỏa thuận với nhau về việc này hoặc do người vợ không đủ điều kiện trực tiếp để trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Đối với con từ đủ 36 tháng tuổi đến dưới 07 tuổi: Quyền nuôi con trong trường hợp này sẽ do vợ, chồng thỏa thuận với nhau. Nếu không tự thỏa thuận được thì sẽ do Tòa án quyết định. Tòa án sẽ dựa vào việc xem xét các điều kiện của từng bên, căn cứ vào quyền lợi của con về mọi mặt như điều kiện để phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, sức khỏe…để trao quyền nuôi con.
Yếu tố được xem xét giành quyền nuôi con
Theo quy định tại khoản 2 điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014, Tòa án sẽ quyết định giao con cho một bên nuôi dưỡng căn cứ vào quyền lợi mọi mặt của con. Những điều kiện được xét tới bao gồm:
- Điều kiện kinh tế: Cha, mẹ phải đáp ứng được cho con mức sống tối thiểu. Mức sống tối thiểu tức là nhu cầu cần và đủ ở mức tối thiểu ở lứa tuổi của con.
- Sức khỏe của cha, mẹ: người trực tiếp nuôi dưỡng con phải có sức khỏe đảm bảo cho việc chăm sóc, nuôi nấng và giáo dục con.
- Đạo đức và phẩm chất của cha, mẹ: đấy là yếu tố được quan tâm vì người có đạo đức tốt sẽ ảnh hưởng tốt tới sự phát triển của con.
- Điều kiện về thời gian dành cho con: dựa vào yếu tố công việc của cha, mẹ và thời gian mà cha, mẹ có thể sắp xếp để dành cho con. Như vậy, có công việc ổn định và lương cao nhưng không thường xuyên ở nhà với con sẽ là bất lợi cho bạn khi xét về yếu tố này
- Môi trường sống: môi trường sống là yếu tố ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ nhỏ về nhân cách. Vì thế, yếu tố môi trường sống cũng là một khía cạnh để Tòa án quyết định quyền nuôi con thuộc về ai.
Các yếu tố trên là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới quyết định của Tòa án trong việc trao quyền nuôi con. Chính vì thế, bạn cần chuẩn bị các giấy tờ hoặc tài liệu cần thiết để chứng minh khả năng nuôi con của mình.
Cách giành quyền nuôi con
Để có được lợi thế khi giành quyền nuôi con, bạn phải nắm được quy định của pháp luật. Như đã nói ở trên, với con từ đủ 36 tháng tuổi đến dưới 07 tuổi thì việc nuôi con sẽ do cha mẹ thỏa thuận. Tuy nhiên, phần lớn trong các vụ án ly hôn thì cha mẹ không tự thỏa thuận được vấn đề ai là người nuôi con.
Bạn cũng có thể nêu ra các bất lợi của đối phương như thu nhập không ổn định, tư cách đạo đức không tốt…để Tòa án xem xét. Trong các vụ án ly hôn, đa phần cha hoặc mẹ đều muốn được trực tiếp nuôi con nên xảy ra tranh chấp. Tuy nhiên, ngoài các quy định của pháp luật, đây cũng là vấn đề mang nặng yếu tố tình cảm, đạo đức nên cần được xử lý thỏa đáng.
Trường hợp còn bất cứ câu hỏi nào chưa được giải đáp hoặc có thắc mắc cần tư vấn, trợ giúp của các luật sư, bạn có thể liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH GIANG ANH
Website: gianganhlaw.com
Email: gal.attorneys@gmail.com
Hotline: 0345 428 668
VPGD: P.311, Tòa nhà 142 Lê Duẩn, Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội