Cẩn trọng với Nợ phát sinh trong quá trình hôn nhân

Trong quá trình thực hiện thủ tục ly hôn, ngoài vấn đề về tài sản và quyền nuôi con thì nợ chung cũng là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Có phải bất cứ khoản nợ nào phát sinh trong thời kỳ hôn nhân cũng do cả hai vợ chồng có trách nhiệm trả không? Vụ án ly hôn cụ thể dưới đây sẽ giúp bạn có những tham khảo hữu ích.

Tóm tắt vụ việc

Vụ án thuộc Bản án số 58/2018/HNGĐ-ST do Tòa án nhân dân huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu giải quyết.

Nguyên đơn là chị Lê Ngọc D, sinh năm: 1989.

Bị đơn: Anh Lê Minh D1, sinh năm 1990.

Người có quyền và nghĩa vụ liên quan bao gồm: Chị Lê Thị C, sinh năm 1991; Anh Nguyễn Phương A, sinh năm 1983.

  • Nguyên đơn là chị Lê Ngọc D trình bày như sau:

Chị Ngọc D và anh Lê Minh D1 kết hôn năm 2017. Anh chị có 01 con chung là cháu Lê Minh Thảo M, sinh ngày 01/10/2017 hiện đang sống với chị. Vợ chồng không có tài sản chung.

Về nợ chung: nợ anh Nguyễn Phương A số tiền 14.000.000 đồng, nợ chị Lê Thị C 20.000.000 đồng , nợ Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh Bạc Liêu số tiền 27.000.000 đồng. Vợ chồng chị có mâu thuẫn do anh D1 không chăm lo cho gia đình, bất đồng quan điểm, thường hay cãi vã với nhau. Vợ chồng chị đã ly thân 01 năm. Trong thời gian ly thân, anh D1 nhiều lần đưa tiền cho chị Ngọc D để nuôi con, tổng số tiền là 3.000.000 đồng/tháng. Chị yêu cầu ly hôn với anh D1, muốn trực tiếp nuôi dưỡng cháu Thảo M và yêu cầu anh D1 cấp dưỡng 2.000.000đ/tháng. Về nợ, chị yêu cầu chia đôi số nợ, mỗi người trả một nửa.

  • Bị đơn là anh Lê Minh D1 trình bày như sau:

Anh đồng ý với những gì chị Ngọc D đã trình bày. Tuy nhiên, anh không biết gì với số nợ chị Lê Thị C là 20.000.000 đồng, nợ anh Nguyễn Phương A số tiền 14.000.000 đồng, nợ Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh Bạc Liêu số tiền 27.000.000 đồng. Về việc phân chia tài sản chung, vợ chồng tự thỏa thuận, không yêu cầu Tòa án giải quyết. Về con chung, anh đồng ý để chị Ngọc D nuôi con, anh không đồng ý cấp dưỡng. Anh không đồng ý cùng chị Ngọc D trả số nợ trên.

  • Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trình bày:

Chị Lê Thị C: Vào khoảng tháng 3/2017, chị có cho chị Ngọc D vay tiền nhiều lần, tổng số tiền là 20.000.000 đồng. Mục đích để chị Ngọc D nuôi con. Đến ngày 10/5/2018, chị mới làm giấy nhận nợ với chị D. Chị yêu cầu vợ chồng anh D1 và chị D trả số tiền trên cho chị.

Anh Nguyễn Phương A đã được Tòa triệu tập lần 3 vẫn vắng mặt và không gửi văn bản thể hiện ý kiến của mình. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bạc Liêu trình bày: Vào ngày 13/9/2017, chị Lê Ngọc D có vay 27.000.000 đồng. Hiện đang trong quá trình trả lãi bình thường, chưa tới thời hạn cuối cùng. Do vậy, ngân hàng không khởi kiện. Nếu đến kỳ hạn cuối mà chị D không trả thì ngân hàng sẽ khởi kiện.

PHÁN QUYẾT CỦA TÒA ÁN

  • Về quan hệ hôn nhân: Công nhận sự thuận tình ly hôn giữa chị Lê Ngọc D và anh Lê Minh D1.
  • Về con chung: Chị Lê Ngọc D có quyền nuôi cháu Lê Minh Thảo M. Anh Lê Minh D1 có nghĩa vụ cấp dưỡng mỗi tháng 695.000 đồng cho tới khi cháu M đủ 18 tuổi.
  • Về nợ chung: Chấp nhận yêu cầu của chị Lê Thị C, yêu cầu chị Lê Ngọc D và anh Lê Minh D1 cùng trả số tiền 20.000.000 đồng, mỗi người trả 10.000.000 đồng.

Nhận định của Luật sư

Qua các tình tiết của vụ án cùng với Quyết định của tòa án, ta có thể thấy:

  • Về vấn đề cấp dưỡng: Anh Lê Minh D1 không đồng ý cấp dưỡng cho con nếu Toà án giao cháu Thảo M cho chị Ngọc D nuôi dưỡng. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật tại Khoản 2 Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về nghĩa vụ và quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn thì: “Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con” Như vậy, anh D1 phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu Thảo M.
  • Về nợ chung: Khi ly hôn, bên cạnh việc 2 bên đều có quyền hưởng ½ khối tài sản chung thì 2 bên cũng phải có nghĩa vụ thanh toán khoản nợ chung phát sinh trong quá trình hôn nhân. Mặc dù anh D1 không hề biết về việc chị D có vay nợ nhưng theo chị D thì trong thời gian mang thai và ly thân, anh D1 chỉ đưa cho chị nhiều lần tổng số tiền khoảng 3.000.000 đồng. Số tiền đó không đủ để chị trang trải chi phí sinh hoạt của hai mẹ con chị, trong khi thu nhập của chị chỉ có hơn 1.000.000 đồng/tháng.

Bản thân anh D1 cũng thừa nhận trong thời gian ly thân anh không đưa tiền cho vợ. Dù anh D1 không thừa nhận nhưng chị D thừa nhận việc này và chị C xuất trình “Giấy cho vay tiền” có chữ ký của chị D thể hiện chị D vay tiền với mục đích là để nuôi dưỡng cháu M. Cho nên việc anh D1 cùng có nghĩa vụ thanh toán khoản nợ với chị D là hoàn toàn hợp lý theo quy định tại khoản 2 Điều 37 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014: “Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây: […] 2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.”

Không phải trong trường hợp nào Tòa án cũng yêu cầu cả hai vợ chồng cùng có nghĩa vụ trả nợ khi người đi vay chỉ là một bên. Trong trường hợp này, chị D có đầy đủ chứng cứ về việc vay nợ với mục đích rõ ràng nên Tòa án yêu cầu anh D có nghĩa vụ trả nợ chung.

Nếu chị D không có chứng cứ rõ ràng hoặc hợp đồng vay mượn giữa các bên bất hợp pháp, không được Tòa án công nhận thì chị D sẽ vô cùng bất lợi vì có thể phải gánh chịu toàn bộ khoản nợ mà chị đã đứng tên vay.

Trong những trường hợp như trên, vai trò của luật sư rất quan trọng. Các luật sư sẽ giúp bạn tìm các chứng cứ khách quan nhằm bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Bạn sẽ không bị thiệt thòi nếu như nhận được sự giúp đỡ của luật sư trong quá trình ly hôn. 

Trường hợp còn bất cứ câu hỏi nào chưa được giải đáp hoặc có thắc mắc cần tư vấn, trợ giúp của các luật sư, bạn có thể liên hệ với Công ty Luật TNHH Giang Anh qua địa chỉ Website: https://gianganhlaw.com hoặc Hotline tư vấn: 0345 428 668.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *