Khởi tố vụ án là giai đoạn mở đầu của tố tụng hình sự (TTHS), trong đó các chủ thể có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật TTHS kiểm tra thông tin, tài liệu thu được xác định có hay không có dấu hiệu tội phạm để ra quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án.
Khởi tố bị can là hoạt động áp dụng pháp luật TTHS của cơ quan có thẩm quyền, trong đó xác định một người, pháp nhân đã thực hiện tội phạm để bắt đầu tiến hành điều tra, áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo trình tự, thủ tục của TTHS.
Căn cứ khởi tố vụ án, khởi tố bị can có vai trò quan trọng trong giai đoạn khởi tố. Việc tiến hành khởi tố chỉ được khởi động nếu xác định có căn cứ khởi tố. Căn cứ khởi tố vụ án, khởi tố bị can là cốt lõi của các hoạt động mở đầu của quá trình TTHS. Việc khởi tố đúng pháp luật hay không phụ thuộc vào căn cứ khởi tố.
Căn cứ khởi tố vụ án được quy định tại Điều 143 Bộ luật TTHS năm 2015. Căn cứ khởi tố vụ án hình sự được xác định là “có dấu hiệu tội phạm”. “Dấu hiệu tội phạm” trong căn cứ khởi tố vụ án quy định tại Điều 143 Bộ luật TTHS 2015 khác với các dấu hiệu của tội phạm trong khái niệm tội phạm và dấu hiệu của các yếu tố cấu thành tội phạm trong lý luận về cấu thành tội phạm. Đối với dấu hiệu tội phạm với ý nghĩa là căn cứ khởi tố vụ án phải được hiểu là những “khía cạnh” của tội phạm được chứng minh, xác định bằng chứng cứ cụ thể. Sự khác nhau về dấu hiệu tội phạm trong căn cứ khởi tố vụ án hình sự với dấu hiệu tội phạm trong khái niệm tội phạm và dấu hiệu của các yếu tố cấu thành tội phạm trong lý luận về cấu thành tội phạm là ở tính “đầy đủ”.
Khi khởi tố vụ án chỉ cần xác định biểu hiện tội phạm, chưa cần thiết phải xác định đầy đủ các dấu hiệu của tội phạm được rút ra từ khái niệm tội phạm và các dấu hiệu cấu thành tội phạm. Tại thời điểm ra quyết định khởi tố vụ án, chưa yêu cầu xác định ngay người thực hiện tội phạm là ai, hành vi thực hiện tội phạm diễn ra như thế nào. Căn cứ khởi tố vụ án trả lời cho câu hỏi: Dựa vào đâu ? Dựa vào cái gì ? để quyết định mở cuộc điều tra theo trình tự, thủ tục TTHS.
Căn cứ khởi tố bị can quy định tại Khoản 1 điều 179 Bộ luật TTHS năm 2015: “Khi có đủ căn cứ để xác định một người hoặc pháp nhân đã thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm thì Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can”. Quy định trên phản ánh rõ 02 khía cạnh của căn cứ khởi tố và mối quan hệ giữa chúng, đó là “chứng cứ” và “vấn đề cần làm rõ” (đối tượng chứng minh – hành vi phạm tội).
Căn cứ khởi tố vụ án và căn cứ khởi tố bị can có mối liên hệ chặt chẽ. Việc xác định đúng căn cứ khởi tố bị can, trong nhiều trường hợp là yếu tố góp phần khắc phục những thiếu sót khi khởi tố vụ án.
Khởi tố vụ án và khởi tố bị can có điểm giống nhau, đều là quyết định bắt đầu điều tra công khai theo trình tự thủ tục TTHS nhưng khác nhau về thời điểm, yêu cầu và căn cứ khởi tố. Nếu như tại thời điểm ra quyết định khởi tố vụ án chưa yêu cầu xác định ngay người thực hiện tội phạm là ai, pháp nhân nào, hành vi thực hiện tội phạm diễn ra như thế nào, thì khi quyết định khởi tố bị can phải xác định chính xác một người hoặc pháp nhân cụ thể đã thực hiện hành vi phạm tội. Khởi tố bị can không chỉ được tiến hành ở giai đoạn khởi tố vụ án mà còn được thực hiện trong giai đoạn điều tra hay trong giai đoạn truy tố nếu phát hiện có người thực hiện tội phạm.
Để có căn cứ khởi tố thì cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải thông qua các hoạt động kiểm tra, xác minh, thu thập chứng cứ, đánh giá sơ bộ để xác định có hay không có một tội phạm tương ứng với một tội danh. Khi ra quyết định khởi tố vụ án hình sự thì không bắt buộc phải chứng minh đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm. Khi khởi tố vụ án hình sự, ngoài việc xác định các dấu hiệu của tội phạm, còn phải kết hợp với một số điều kiện như: Cơ sở của trách nhiệm hình sự (Điều 2 BLHS), nguyên tắc xử lý (Điều 3 BLHS), thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 27 BLHS), miễn trách nhiệm hình sự (Điều 29), tuổi chịu trách nhiệm hình sự (Điều 12), và một số quy định khác.
Để xác định căn cứ khởi tố được chính xác, khách quan, cơ quan có thẩm quyền khởi tố cần thận trọng cân nhắc đối chiếu các dấu hiệu của tội phạm để xác định chính xác tội danh, hành vi phạm tội cần khởi tố. Để khắc phục tình trạng khởi tố vụ án hình sự không có căn cứ pháp lý, việc khởi tố kéo dài không chứng minh được tội phạm và người phạm tội dẫn đến việc bắt oan, bắt sai và bỏ lọt tội phạm, người phạm tội, làm giảm uy tín của cơ quan có thẩm quyền khởi tố với công dân, thì các cơ quan này phải quán triệt nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa trong việc khởi tố. Việc khởi tố phải đảm bảo có căn cứ theo luật định, các quyết định khởi tố phải gửi đến Viện kiểm sát để kiểm sát việc khởi tố.
Căn cứ khởi tố vụ án, khởi tố bị can là vấn đề quan trọng trong pháp luật TTHS. Việc nhận thức sâu sắc căn cứ khởi tố vụ án, khởi tố bị can là tiền đề triển khai và áp dụng có hiệu quả trong thực tế chế định khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Trường hợp còn bất cứ câu hỏi nào chưa được giải đáp hoặc có thắc mắc cần tư vấn, trợ giúp của các luật sư, bạn có thể liên hệ với Công ty luật TNHH Giang Anh qua địa chỉ website: https://hanoiattorneys.com hoặc Hotline tư vấn: 034 542 8668 để được hỗ trợ kịp thời.