Chồng nghiện ma túy có nên ly hôn ?

Tình huống như sau:

Một bạn trẻ đã kết hôn qua sự giới thiệu của người quen cách đây 2 năm nhưng chưa có con. Chồng bạn làm công việc tự do. Trước khi kết hôn, bạn có nghe nói về việc chồng mình đã từng nghiện ma túy nhưng anh khẳng định rằng đã cai nghiện hoàn toàn và không còn dính dáng gì. Thế nhưng, sau khi kết hôn được vài tháng, bạn thấy chồng mình có những biểu hiện của người nghiện ma túy, thường xuyên mệt mỏi, người gầy gò. Trong 2 năm chung sống, dù được gia đình nhiều lần khuyên bảo nhưng anh ta vẫn tái nghiện thậm chí còn mang hết tài sản trong nhà ra lấy tiền mua ma túy. Bạn rất lo lắng và không biết có nên ly hôn hay không.

Tư vấn của luật sư :

1. Đặc điểm tâm lý người nghiện ma túy

Đa số những người nghiện ma túy không còn giữ được tính cách ban đầu của mình do cả tinh thần và thể xác đều bị lệ thuộc vào ma túy. Những người bị nghiện ma túy khi không có thuốc sử dụng sẽ trở nên cau có, hay bực bội và buồn bã. Các chất có trong ma túy tạo ra ảo giác và những khoái cảm không có thật nên những người nghiện ma túy thường có cách cư xử thô lỗ do giảm hứng thú, nhân cách thay đổi. Bạn có thể thấy người chồng nghiện ma túy của mình hay thờ ơ với người thân, ít chú ý tới công việc. Vì ma túy có tính lệ thuộc cực lớn nên những người nghiện ma túy sẽ tìm mọi cách để có ma túy sử dụng. Vì vậy mà chồng bạn mới bán hết tài sản trong nhà để có tiền dùng ma túy thường xuyên. Tùy thuộc vào từng chất gây nghiện cụ thể mà có những sự biến đổi về tâm sinh lý khác nhau. Người nghiện ma túy dạng tổng hợp sẽ có cảm giác mất ngủ, căng thẳng, mất khả năng phán xét. Ngoài ra thì ma túy tổng hợp còn gây ra các biểu hiện rối loạn tim mạch, đau mỏi cơ, giảm cân, rối loạn thần kinh… Những đặc điểm tâm sinh lý của người nghiện ma túy được biểu hiện cụ thể trong từng giai đoạn khi cai nghiện là:

  • Giai đoạn trước khi cắt cơn: trong giai đoạn này, người nghiện vẫn đang trong quá trình sử dụng ma túy. Thông thường những người nghiện ma túy đều có cảm giác day dứt, biết rõ việc mình làm là nguy hiểm và có ý định muốn từ bỏ song không thể chống lại cơn nghiện. Giai đoạn này người nghiện thường có sự khủng hoảng nhẹ, dễ bị kích động, mất tập trung.
  • Giai đoạn cắt cơn (sau khi ngưng sử dụng ma túy từ 1-15 ngày): trong giai đoạn này, người sử dụng ma túy có những dấu hiệu như hay ngáp, buồn ngủ, người lờ đờ. Các triệu chứng rối loạn sinh học ngày càng nhiều như mất ngủ, đổ nhiều mồ hôi, buồn bực chân tay, đau nhức xương khớp, tăng thân nhiệt…Người nghiện sẽ trở nên cáu gắt, khó chịu, thường không muốn tiếp tục cai nghiện ma túy nữa.
  • Giai đoạn lạc quan tếu: (từ ngày 16 – ngày 45 sau khi ngưng sử dụng ma túy): sức khỏe có sự hồi phục, họ cảm thấy hưng phấn, nói cười nhiều, lầm tưởng có khả năng chiến thắng ma túy.
  • Giai đoạn bế tắc: (từ ngày 46 – ngày 120): trong giai đoạn này, người nghiện sẽ xuất hiện những biểu hiện tâm lý xấu như lười nhác, thiếu tự tin, cáu kỉnh, dễ bi quan, chán nản, không thật thà, thiếu lòng tự trọng, dễ sử dụng lại ma túy. Cơ thể đã hồi phục khá nhiều chỉ còn cảm giác đau nhức xương khớp.
  • Giai đoạn tự điều chỉnh (từ ngày 121 – ngày 180): trong giai đoạn này sẽ xuất hiện cảm giác buồn chán, mức độ thèm ma túy đã giảm đi đáng kể. Tâm trạng lo lắng, cáu kỉnh, không muốn tham gia các hoạt động đông người. Giai đoạn phục hồi (trên 180 ngày): nhận thức và sửa đổi được những hành vi sai lệch, mong muốn hòa nhập và tham gia vào những quan hệ xã hội.

2. Cách xử lý khi chồng nghiện

Khi chồng bạn là người nghiện ma túy đã lâu thì bạn nên khuyên chồng cai nghiện. Hãy nhờ sự can thiệp của bạn bè, gia đình hai bên cũng như chính quyền địa phương để buộc chồng bạn phải từ bỏ việc sử dụng ma túy. Nghị định 136/2016/NĐ-CP quy định: “Đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc: 1. Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn định, trong thời hạn 02 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy hoặc trong thời hạn 01 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy mà vẫn còn nghiện. 2. Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn định, bị chấm dứt thi hành quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy. 3. Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, không có nơi cư trú ổn định.”

Bạn chỉ nên nói chuyện thẳng thắn với chồng khi anh ta tỉnh táo, không phải đang trong cơn nghiện vì lúc này chồng bạn mới có khả năng phán xét, phân tích đúng sai cũng như làm chủ được hành vi và không gây nguy hiểm cho bạn. Bạn nên động viên chồng đi cai nghiện để có thể tu chí làm ăn, tránh xa con đường tội lỗi và hòa nhập với cộng đồng. Hãy nêu ra những tác hại của việc sử dụng ma túy như ảnh hưởng tới sức khỏe, kiệt quệ về kinh tế, nguy cơ nhiễm HIV/AIDS. Nếu chồng đồng ý cai nghiện, trong từng giai đoạn khác nhau được phân tích ở trên, bạn cần có những cách xử lý khác nhau:

  • Giai đoạn trước khi cắt cơn: cần có sự chia sẻ tích cực từ phía người thân, gia đình, bạn bè để chồng bạn có quyết tâm cai nghiện hoàn toàn.
  • Giai đoạn cắt cơn: thường xuyên chia sẻ, tâm sự để chồng bạn cảm thấy được an ủi cảm xúc và yên tâm điều trị.
  • Giai đoạn lạc quan tếu: tiếp tục cần được bình ổn tâm lý, không chê trách hoặc phê phán.
  • Giai đoạn bế tắc: giai đoạn này, hãy cho chồng bạn tiếp xúc với nhiều bạn mới nhất là những người đã cai nghiện thành công chia sẻ với chồng bạn để anh ấy có thêm nghị lực.
  • Giai đoạn tự điều chỉnh: giám sát chặt chẽ hành vi và tăng cường chia sẻ, tâm sự để chồng bạn giải quyết những sang chấn tâm lý, muốn tham gia các hoạt động.
  • Giai đoạn phục hồi: hướng chồng bạn vào công việc tốt cũng như tham gia các hoạt động xã hội nhiều hơn.

Nếu khu vực bạn đang sống là nơi có nhiều tệ nạn và nhiều đối tượng sử dụng ma túy thì bạn cũng nên tính đến việc chuyển nhà, tìm một môi trường sống lành mạnh hơn để hạn chế tối đa khả năng chồng bạn tái nghiện.

3. Có nên ly hôn khi chồng nghiện ma túy

Khi chồng bạn thể hiện quyết tâm cai nghiện, sẵn sàng cai nghiện ma túy để bắt đầu cuộc sống mới, bạn hãy cho chồng mình một cơ hội. Tuy nhiên, nếu việc nghiện ma túy của chồng bạn diễn ra thường xuyên, không thể cai nghiện, tái nghiện nhiều lần, gây ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế gia đình thì bạn có thể nghĩ tới việc ly hôn. Trong trường hợp của bạn, bạn có thể làm đơn ly hôn đơn phương với căn cứ chồng bạn vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của người chồng khiến đời sống hôn nhân không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được. Do nghiện ma túy nên chồng bạn không còn ý thức và tự làm chủ được hành vi. Người chồng không chăm lo cho gia đình ngược lại còn mang tài sản của gia đình đi bán để sử dụng vào những mục đích không lành mạnh. Chồng bạn không tu chí làm ăn, việc nghiện ngập đã kéo dài 2 năm nên căn cứ trên hoàn toàn hợp lý dựa vào quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình 2014: “Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.”

Từ những thông tin bạn trẻ trên đưa ra, có thể thấy bạn đang có cuộc hôn nhân không hạnh phúc khi mà người chồng không làm tốt bổn phận và trách nhiệm của mình, không gây dựng được cuộc sống gia đình bền vững và tương lai tốt đẹp. Giữa hai bạn cũng chưa bị ràng buộc bởi đứa con nên vì thế ly hôn trong trường hợp này là giải pháp tốt cho bạn.

Trường hợp còn bất cứ câu hỏi nào chưa được giải đáp hoặc có thắc mắc cần tư vấn, trợ giúp của các luật sư, bạn có thể liên hệ với Công ty luật TNHH Giang Anh qua địa chỉ website: https://hanoiattorneys.com hoặc Hotline tư vấn: 034 542 8668.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *