Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ không phải bồi thường thiệt hại khi nào?

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, phương tiện giao thông chính là thứ thiết yếu của mỗi cá nhân. Mỗi người sở hữu cho mình ít nhất một chiếc xe, đó có thể là ô tô, xe máy, xe đạp,…. Nhưng tất cả đều hướng đến một mục đích chung là giúp người sử dụng có thể di chuyển một cách dễ dàng, thuận tiện, nhanh chóng. Khi trở thành chủ sở hữu (CSH) của một phương tiện thì đồng thời bạn phải có trách nhiệm với phương tiện đó. Khi tài sản gây ra thiệt hại, CSH có nghĩa vụ bồi thường hay không đều được pháp luật quy định rõ ràng, cụ thể. Vậy với tài sản là nguồn nguy hiểm cao độ trong trường hợp nào CSH không phải bồi thường thiệt hại (BTTH)?

1. Xác định thế nào là nguồn nguy hiểm cao độ?

Khoản 1 Điều 601 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS 2015): “Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.”

2. Khi nào chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ không phải bồi thường thiệt hại?

Trường hợp 1: CSH chuyển giao một cách hợp pháp quyền chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ:
Căn cứ theo Khoản 2 Điều 601 BLDS 2015 thì khi CSH nguồn nguy hiểm cao độ đã chuyển giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ khi đó phải chịu trách nhiệm BTTH.

Cần phải hiểu rằng, việc CSH chuyển giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ thông qua một giao dịch dân sự. Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Trong giao dịch dân sự các bên có thể tự do thể hiện ý chí của mình miễn sao không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội. Nếu đáp ứng được điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự thì người được chuyển giao nguồn nguy hiểm cao độ sẽ trở thành người chiếm hữu có căn cứ pháp luật theo Khoản 1 Điều 165 BLDS 2015:
“1. Chiếm hữu có căn cứ pháp luật là việc chiếm hữu tài sản trong trường hợp sau đây:
a) Chủ sở hữu chiếm hữu tài sản;
b) Người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản;
c) Người được chuyển giao quyền chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự phù hợp với quy định của pháp luật;
d) Người phát hiện và giữ tài sản vô chủ, tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm phù hợp với điều kiện theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan;
đ) Người phát hiện và giữ gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc phù hợp với điều kiện theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan;
e) Trường hợp khác do pháp luật quy định”.

Do đó, khi đã trở thành người chiếm hữu hợp pháp, sử dụng tài sản vì mục đích của bản thân và trong phạm vi cho phép của CSH thì người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có trách nhiệm BTTH thay vì CSH đích thực nguồn nguy hiểm cao độ.

Tuy nhiên, đối với trường hợp này phải đảm bảo một điều kiện rằng giữa CSH và người chiếm hữu, sử dụng không có thỏa thuận nào khác về chủ thể phải chịu trách nhiệm bồi thường khi có thiệt hại xảy ra.

Trường hợp 2: Xảy ra một trong các căn cứ loại trừ trách nhiệm BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra:

Theo Khoản 3 BLDS 2015 quy định: “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:
a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”
Như vậy, nếu rơi vào một trong hai trường hợp trên thì CSH nguồn nguy hiểm cao độ sẽ không phải BTTH.

Trường hợp 3: CSH không có lỗi trong việc nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại:

Tại điểm d tiểu mục 2 mục III Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP hướng dẫn: “Người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, nếu chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp không có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật (đã tuân thủ các quy định về bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật)”.

Ví dụ, nguồn nguy hiểm cao độ bị đánh cắp, ăn trộm,…. Các trường hợp khác mà CSH không thể lường trước được việc nguồn nguy hiểm cao độ của mình bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật. Khi đó, để không phải chịu TNBT thì CSH phải có nghĩa vụ chứng minh rằng mình không có lỗi. Tuy nhiên, việc chứng minh “không có lỗi” trong trường hợp này là khá khó khăn do pháp luật đã đặt ra yêu cầu với CSH rằng họ là người phải có trách nhiệm “bảo quản, trông giữ, vận chuyển” một cách nghiêm ngặt và tối đa nhất đối với nguồn nguy hiểm cao độ.


Hi vọng những chia sẻ trên đã giúp các bạn có thêm phần nào hiểu biết và kiến thức về trường hợp nào chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ không phải bồi thường thiệt hại. Trường hợp còn bất cứ câu hỏi nào chưa được giải đáp hoặc có thắc mắc cần tư vấn, trợ giúp của các luật sư, bạn có thể liên hệ với Công ty luật TNHH Giang Anh qua địa chỉ Website: https://hanoiattorneys.com hoặc Hotline tư vấn: 0345 428 668 để được hỗ trợ kịp thời.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *