Hợp đồng ký với Chi nhánh thì kiện ở đâu?

Câu hỏi: Công ty TNHH 1 thành viên X (có trụ sở tại quận Đống Đa, TP. Hà Nội) mở 01 Chi nhánh ở thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Năm 2021, tôi (HKTT: thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) ký kết Hợp đồng giao dịch với Chi nhánh. Tuy nhiên, hiện nay vì nhiều lý do nên tôi và Chi nhánh phát sinh tranh chấp đối với Hợp đồng nêu trên. Vậy Luật sư cho tôi hỏi, trong trường hợp tôi muốn khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Tòa án thì Tòa án ở đâu sẽ có thẩm quyền giải quyết?

Trả lời:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật TNHH Giang Anh. Đối với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin phép trả lời như sau:
Trước tiên, chúng ta cần làm rõ mối quan hệ giữa Công ty TNHH 1 thành viên (Sau đây gọi tắt là “Công ty”) và Chi nhánh của Công ty tại thành phố Hòa Bình (Sau đây gọi tắt là “Chi nhánh”).

Căn cứ khoản 2 Điều 74 Luật Doanh nghiệp 2020, Công ty TNHH 1 thành viên là loại hình doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu, có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Công ty có quyền thành lập một hoặc nhiều chi nhánh tại nhiều nơi theo địa giới đơn vị hành chính.
Căn cứ Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020, Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp. Theo đó, Chi nhánh không phải một tổ chức độc lập và không thỏa mãn điều kiện có tư cách pháp nhân theo Điều 74 Bộ luật dân sự 2015, cụ thể: Chi nhánh được thành lập dựa trên Quyết định của Công ty, không có tài sản độc lập với Công ty, không thể chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình và không thể nhân danh mình tham gia một quan hệ pháp luật độc lập mà chỉ thực hiện các hoạt động theo chức năng hoặc ủy quyền từ phía Công ty.

Do đó, Công ty có nghĩa vụ chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với hoạt động kinh doanh, giao dịch của Chi nhánh. Bên cạnh đó, theo khoản 6 Điều 84 Bộ luật dân sự 2015, Công ty cũng có quyền, nghĩa vụ dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự do chi nhánh thực hiện, bao gồm cả việc tham gia tố tụng dân sự trong trường hợp phát sinh tranh chấp trong Hợp đồng do Chi nhánh ký.
Như vậy, theo quy định của pháp luật, tranh chấp phát sinh từ hoạt động của chi nhánh thì bị đơn sẽ là Công ty mẹ của Chi nhánh đó. Tuy nhiên, thông thường, Công ty sẽ làm thủ tục ủy quyền cho Chi nhánh để tham gia tố tụng.

Xác định Tòa án có thẩm quyền
Về thẩm quyền theo vụ việc, tranh chấp giữa bạn và Chi nhánh thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự – Tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự.
Về thẩm quyền theo cấp, căn cứ điểm a khoản 1 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự, tranh chấp nêu trên thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện.

Về thẩm quyền theo lãnh thổ: 
Thứ nhất, căn cứ điểm b khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự, các đương sự hoàn toàn có thể tự thỏa thuận bằng văn bản yêu cầu Tòa án nhân dân nơi cư trú của nguyên đơn là nơi có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Do đó, trong trường hợp thống nhất được ý kiến về việc lựa chọn Tòa án, bạn và Chi nhánh hoàn toàn có thể ký kết một văn bản thỏa thuận về việc lựa chọn Tòa án nhân dân thành phố Hạ Long – nơi cư trú của bạn để yêu cầu giải quyết tranh chấp.
Thứ hai, căn cứ điểm b khoản 1 Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 về Thẩm quyền của Tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn: “Nếu tranh chấp phát sinh từ hoạt động của chi nhánh tổ chức thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi tổ chức có trụ sở hoặc nơi tổ chức có chi nhánh giải quyết”. Quy định này nhằm tạo sự thuận tiện cho nguyên đơn trong trường hợp Công ty và Chi nhánh không cùng nằm trong một thành phố. Vì vậy, trong trường hợp này. bạn cũng có thể lựa chọn Tòa án nhân dân thành phố Hòa Bình – nơi có chi nhánh hoặc Tòa án nhân dân quận Đống Đa – nơi có trụ sở Công ty để khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp.

Tư vấn của Luật sư:
Như vậy, theo phân tích ở trên, trường hợp bạn muốn khởi kiện tại Tòa án yêu cầu giải quyết tranh chấp phát sinh đối với Hợp đồng được ký kết giữa bạn với Chi nhánh của Công ty TNHH 1 thành viên X, bạn có thể lựa chọn:
  • Tòa án nhân dân thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh;
  • Tòa án nhân dân thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình;
  • Tòa án nhân dân quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội.
là nơi có thẩm quyền giải quyết. Và người bị kiện (bị đơn) sẽ là Công ty TNHH 1 thành viên X.

Nếu còn bất cứ câu hỏi nào chưa được giải đáp hoặc có thắc mắc cần tư vấn, trợ giúp của các Luật sư, bạn có thể liên hệ với Công ty Luật TNHH Giang Anh qua địa chỉ Website: https://hanoiattorneys.com hoặc Hotline: 0345 428 668 để được hỗ trợ kịp thời.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *