Không có thỏa thuận phạt cọc có phải đền tiền phạt cọc không?

Câu hỏi:

Tôi dự định bán một căn nhà giá 2 tỷ cho ông X, trong quá trình thỏa thuận hợp đồng, tôi đã nhận đặt cọc 100 triệu đồng từ ông X và không có thỏa thuận gì về việc phạt cọc. Tuy nhiên hiện tại tôi không muốn bán căn nhà đó nữa và ông X cho rằng tôi đã vi phạm thỏa thuận hợp đồng và đòi tiền phạt từ tôi. Vậy trong trường hợp trong hợp đồng không thỏa thuận gì về việc phạt cọc thì tôi có phải đền tiền phạt cọc hay không?

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật TNHH Giang Anh, đối với những thông tin mà bạn cung cấp, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời như sau:

Theo khoản 2 Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015, thì với trường hợp các bên không thỏa thuận về mức phạt cọc thì được quy định rõ như sau:

“Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”
Thỏa thuận khác chính là quy định mở để các bên có quyền tự do thỏa thuận mức phạt cọc đối với hành vi vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên đối tượng của phạt cọc mà pháp luật quy định chỉ có thể là tiền nhằm bảo đảm cho việc thực hiện hợp đồng theo thỏa thuận của các bên trong quan hệ dân sự, tránh việc lừa đảo và đề cao trách nhiệm của các bên.

Theo hướng dẫn tại mục I.1 Nghị quyết số 01/2003/NQ – HĐTP ngày 16-4-2003 của Tòa án nhân dân Tối cao:
“a) Trong trường hợp đặt cọc chỉ để bảo đảm cho việc giao kết hợp đồng hoặc chỉ để bảo đảm cho việc thực hiện hợp đồng hoặc vừa để bảo đảm cho việc giao kết hợp đồng vừa để bảo đảm cho việc thực hiện hợp đồng thì bên nào có lỗi làm cho hợp đồng không được giao kết hoặc không được thực hiện hoặc bị vô hiệu, thì phải chịu phạt cọc;
b) Trong trường hợp đặt cọc chỉ để bảo đảm cho việc giao kết hợp đồng, nếu trong quá trình thực hiện hợp đồng mới có sự vi phạm làm cho hợp đồng không được thực hiện hoặc mới phát hiện hợp đồng bị vô hiệu thì không phạt cọc;
c) Trong trường hợp các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định điều kiện nếu đặt cọc vô hiệu làm hợp đồng cũng bị vô hiệu, thì hợp đồng đương nhiên vô hiệu khi đặt cọc đó vô hiệu;
d) Trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm a và c mục I.1 này, nếu cả hai cùng có lỗi hoặc trong trường hợp có sự kiện bất khả kháng hoặc có trở ngại khách quan thì không phạt cọc.”

Do đó, trong trường hợp bạn nhận cọc để đảm bảo việc giao kết hợp đồng chuyển nhượng với ông X nhưng bạn lại không thực hiện thì bạn sẽ phải chịu phạt cọc kể cả giữa hai bên không có thỏa thuận về việc phạt cọc. Vì không có thỏa thuận về Phạt cọc và mức phạt nên sẽ căn cứ theo quy định của pháp luật, tức là ngoài số tiền 100 triệu đồng bạn phải trả lại cho ông X, bạn còn phải chịu phạt một khoản tiền bằng số tiền nhận cọc.

Trên đây là câu trả lời của chúng tôi dựa trên những thông tin bạn cung cấp. Tuy nhiên pháp luật cũng quy định một số trường hợp loại trừ mà có thể trong quá trình cung cấp thông tin bạn chưa trình bày đầy đủ. Vì thế bạn đừng nên quá lo lắng và có thể liên hệ với Công ty Luật TNHH Giang Anh để được tháo gỡ. Cảm ơn các bạn đã lựa chọn Công ty Luật TNHH Giang Anh. Nếu như bạn còn thắc mắc hay bất kỳ câu hỏi nào chưa được giải đáp, bạn có thể liên hệ với Công ty Luật TNHH Giang Anh qua các phương thức sau để được tư vấn và trợ giúp trong thời gian sớm nhất:
Hotline/Zalo: 0345 428 668.
Website: https://gianganhlaw.com
Fanpage: https://www.facebook.com/gal.attorneys

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *