Mục Lục
Tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, thực trạng sinh viên/người lao động đi thuê nhà hay tìm kiếm việc làm là điều quá đỗi bình thường và xảy ra liên tục. Việc lựa chọn một nơi ở tốt hay một công việc nhằm gia tăng thu nhập của bản thân là một điều tốt, tuy nhiên dựa vào mưu cầu của những đối tượng này mà không ít người đã trục lợi bằng việc lừa gạt thực hiện giao dịch dân sự trá hình nhằm chiếm đoạt tài sản.
Vụ việc liên quan
Mới gần đây nhất là vụ việc một người phụ nữ tên Lê Thị Vinh tự xưng là chủ căn nhà tại địa chỉ số 46, ngõ 125 Nguyễn Ngọc Vũ, Cầu Giấy, Hà Nội đã ký Hợp đồng cho thuê căn nhà trên với rất nhiều cá nhân cùng một lúc. Số tiền thu trước của mỗi người lên đến 400-500 triệu đồng/người. Sau khi chuyển tiền cho bà Vinh, những người này đều không được giao nhà. Chỉ tính riêng trong tháng 12/2023, hơn 10 nạn nhân đã đến trình báo với cơ quan công an về sự việc này. Đỉnh điểm là chiều ngày 18/1, các nạn nhân còn phát hiện bà Vinh vẫn tiếp tục chiêu trò đem nhà cho thuê và lừa lấy tiền của người thuê.
Vụ việc trên là một ví dụ điển hình cho hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thứ nhất, bà Vinh đã ký kết hợp đồng cho thuê toàn bộ căn nhà với rất nhiều người cùng một lúc, những người thuê nhà cũng đã trả tiền thuê cho bà Vinh, khi cho thuê bà Vinh khẳng định ngôi nhà thuộc sở hữu riêng của mình và chưa cho bất kỳ cá nhân tổ chức nào thuê. Đây là hành vi gian dối, đưa ra những thông tin không đúng sự thật để làm người thuê tin và giao kết hợp đồng thuê nhà.
Thứ hai, thông qua việc ký các hợp đồng trên bà Vinh đã chiếm đoạt của mỗi cá nhân từ 400-500 triệu đồng. Con số sau này ước tính lên đến 20 tỷ đồng.
Khung hình phạt Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chủ sở hữu, người quản lý tài sản tin tưởng và giao tài sản nhằm mục đích chiếm đoạt.
Để lừa được chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản, người thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể sử dụng nhiều cách thức và chiêu trò khác nhau.
Căn cứ vào Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bãi bỏ theo Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với khung hình phạt tăng dần như sau:
Cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
Nếu tài sản chiếm đoạt có giá trị từ 2.000.000 đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc vào các trường hợp sau:
– Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
– Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội sau đây, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm: Cướp tài sản; Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; Cưỡng đoạt tài sản; Cướp giật tài sản; Công nhiên chiếm đoạt tài sản; Trộm cắp tài sản; Lạm dụng uy tín nhằm chiếm đoạt tài sản; Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
– Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
– Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm đối với những trường hợp:
– Có tổ chức;
– Có tính chất chuyên nghiệp;
– Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
– Tái phạm nguy hiểm;
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
– Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm đối với những trường hợp:
– Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
– Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
– Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
– Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
Ngoài ra, Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Tóm lại:
Thông qua vụ việc thực tế mà Luật Giang Anh đưa ra, đồng thời căn cứ vào quy định của pháp luật hiện hành thì hành vi của bà Vinh đã có dấu hiệu của Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đây là thực trạng xảy ra rất phổ biến trong xã hội hiện nay, tùy từng vấn đề mà kẻ xấu có thể lợi dụng lòng tin của người khác, đặc biệt là các bạn sinh viên, người yếu thế đang trong hoàn cảnh khó khăn. Luật Giang Anh rất mong các bạn cảnh giác với bất kỳ lời dụ dỗ nào và hãy suy nghĩ, tìm hiểu kĩ trước khi thực hiện các giao dịch nhé! Trong trường hợp bạn đang nghi ngờ hoặc nạn nhân của một tội ác lừa đảo, bạn hoàn toàn có thể liên hệ với Giang Anh Law để tháo gỡ vấn đề một cách nhanh nhất, hạn chế thiệt hại phát sinh.
CÔNG TY LUẬT TNHH GIANG ANH
Website: gianganhlaw.com
Email: gal.attorneys@gmail.com
Hotline: 0345 428 668
VPGD: P.311, Tòa nhà 142 Lê Duẩn, Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội