NHỮNG TRƯỜNG HỢP KHÔNG ĐƯỢC ỦY QUYỀN

Ủy quyền là một trong hai hình thức đại diện theo quy định của pháp luật được ghi nhận tại Điều 135 Bộ luật Dân sự 2015. Ủy quyền là việc thỏa thuận của các bên theo đó bên được ủy quyền sẽ có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền. Vậy có phải bất cứ công việc nào cũng có thể ủy quyền cho người khác thực hiện thay mình hay không? Những trường hợp nào không được ủy quyền? Đó là những lĩnh vực pháp luật nào? Câu trả lời sẽ có trong bài viết dưới đây.

Trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình

Khi kết hôn:

Căn cứ theo khoản 8 mục III Phần II của Quyết định số 3814/QĐ-BTP quy định về Thủ tục đăng ký kết hôn như sau: “Khi đăng ký kết hôn, hai bên nam, nữ phải có mặt. Đại diện UBND cấp xã yêu cầu hai bên cho biết ý muốn tự nguyện kết hôn, nếu hai bên đồng ý kết hôn, thì cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào Sổ đăng ký kết hôn và Giấy chứng nhận kết hôn….”

Khi ly hôn:

Căn cứ theo khoản 4 Điều 85 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015: “Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ ( khoản 2 Điều 51 của Luật hôn nhân và gia đình) thì họ là người đại diện”.
Tuy nhiên, đương sự có thể nhờ đến sự trợ giúp của Luật sư hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hướng dẫn một số thủ tục khi nộp đơn ly hôn.

Đăng ký nhận cha, mẹ, con:

Căn cứ theo khoản 1 Điều 25 Luật Hộ tịch 2014: “….Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt”.

Trong lĩnh vực dân sự

Công chứng di chúc của mình:

Căn cứ theo khoản 1 Điều 56 Luật Công chứng 2014: “Người lập di chúc phải tự mình yêu cầu công chứng di chúc, không ủy quyền cho người khác yêu cầu công chứng di chúc”.

Những trường hợp khác:

Theo khoản 1 Điều 87 Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định: “Những người sau đây không được làm người đại diện theo pháp luật:

a) Nếu họ cũng là đương sự trong cùng một vụ việc với người được đại diện mà quyền và lợi ích hợp pháp của họ đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện;
b) Nếu họ đang là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự cho một đương sự khác mà quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đó đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện trong cùng một vụ việc.
2. Quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với trường hợp đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự.”

Trong lĩnh vực hình sự

Nhận tội thay:

Theo tinh thần của Bộ luật hình sự, thì việc quy định các chế tài xử lý là nhằm mục đích răn đe, giáo dục người có hành vi phạm tội. Do vậy, nếu như cho phép ủy quyền người khác nhận tội thay kẻ phạm tội thì không thể hiện đúng bản chất, mục đích của việc ban hành Bộ luật hình sự.

Các trường hợp không được ủy quyền trong tố tụng hình sự:

Trường hợp một, theo khoản 4 Điều 36 BLTTHS 2015: “…Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra không được ủy quyền cho Điều tra viên thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình”. Bởi, họ phải có trách nhiệm trong việc thực hiện quyền và nhiệm vụ của mình trước pháp luật về các hành vi và đặc biệt là quyết định có tính ảnh hưởng đến một vụ án.

Trường hợp hai, theo điểm đ khoản 1 Điều 39 BLTTHS 2015 quy định Cấp trưởng các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có những nhiệm vụ, quyền hạn: “Khi vắng mặt, cấp trưởng ủy quyền cho một cấp phó được thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cấp trưởng…”, nhưng “Cấp trưởng, cấp phó không được ủy quyền cho cán bộ điều tra thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.”
Tương tự như vậy tại khoản 5 Điều này quy định: “Trong phạm vi trách nhiệm của mình, cấp trưởng, cấp phó, cán bộ điều tra của các cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình. Cấp trưởng, cấp phó không được ủy quyền cho cán bộ điều tra thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình”.
Trường hợp ba, tại khoản 4 Điều 41 BLTTHS 2015 quy định về Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát: “Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình. Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát không được ủy quyền cho Kiểm sát viên thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình”
Trường hợp bốn, tại khoản 4 Điều 44 BLTTHS 2015 quy định về Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Chánh án, Phó Chánh án Tòa án: “Chánh án, Phó Chánh án Tòa án phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình. Chánh án, Phó Chánh án Tòa án không được ủy quyền cho Thẩm phán thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình”.

Trong lĩnh vực hành chính

  • Theo Khoản 4 Điều 59 Luật đất đai 2013 được sửa đổi bổ sung bởi khoản 12 Điều 1 Nghị định 10/2023/NĐ-CP: “UBND cấp tỉnh, cấp huyện có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất không được ủy quyền”.
  • Theo Khoản 5 Điều 60 Luật tố tụng hành chính 2015: “Trong tố tụng hành chính, người được ủy quyền không được ủy quyền lại cho người thứ ba”.
  • Theo Khoản 2 Điều 11 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015: “Cơ quan được giao ban hành văn bản quy định chi tiết không được ủy quyền tiếp….”. Bởi, mỗi một cơ quan sẽ đảm nhiệm một lĩnh vực chủ chốt riêng, việc được giao ban hành văn bản quy định chi tiết của từng lĩnh vực cho các cơ quan này sẽ đảm bảo được tính đúng đắn và chức trách nhiệm vụ.
  • Khoản 2 Điều 14 Luật tổ chức chính quyền ở địa phương 2015: “Cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước ở địa phương nhận ủy quyền không được ủy quyền tiếp cho cơ quan, tổ chức khác thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được cơ quan hành chính nhà nước cấp trên ủy quyền”.
  • Theo Khoản 2 Điều 46 Luật lý lịch tư pháp 2009: “Cá nhân yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 thì không được ủy quyền cho người khác làm thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp”. Bởi, lý lịch tư pháp là những thông tin bí mật về đời tư cá nhân, việc ủy quyền nếu không đảm bảo đúng tình trạng pháp lý thì kẻ gian tự cho mình là người được ủy quyền sẽ lợi dụng thông tin của người khác nhằm thực hiện các hành vi xấu xa, gây thiệt hại cho chính chủ.
  • Theo Điểm b khoản 3 Điều 15, điểm b khoản 2 Điều 26, điểm b khoản 3 Điều 60, điểm b khoản 2 Điều 69 Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015: “Người bị chất vấn không được ủy quyền cho người khác trả lời thay mình tại kỳ họp Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Thường trực Hội đồng nhân dân. Đây là điều dĩ nhiên, cơ bản, đảm bảo được nguyên tắc tự chịu trách nhiệm đối với các quyết định của người đứng đầu”.
  • Theo khoản 3 Điều 88 Luật thú y 2015: “Tổ chức khảo nghiệm thuốc thú y không trực tiếp đứng tên đăng ký hoặc không được nhận ủy quyền đứng tên đăng ký thuốc thú y tại Việt Nam”.

Trong lĩnh vực kinh tế

  • Theo Khoản 5 Điều 81 Luật các tổ chức tín dụng 2010: “Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị tổ chức tín dụng là hợp tác xã không được ủy quyền cho những người không phải là thành viên Hội đồng quản trị thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình”. Bởi, đây là cơ quan đầu não của tổ chức, những người chịu trách nhiệm trực tiếp đối với các quyết định của mình trước Đại hội thành viên, do đó không thể tùy tiện ủy quyền cho người khác.
  • Theo Khoản 3 Điều 14 Luật trưng mua trưng dụng tài sản năm 2008: “Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh không được ủy quyền quyết định trưng mua tài sản. Bởi những loại tài sản được trưng mua đều có giá trị lớn như nhà và tài sản khác gắn liền với đất, đồng thời tầm ảnh hưởng của các loại tài sản này đều ở cấp độ quốc gia”.
  • Theo Khoản 5 Điều 13 Luật kinh doanh bất động sản 2014: “Chủ đầu tư dự án kinh doanh bất động sản không được ủy quyền cho bên tham gia hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết, hợp tác kinh doanh hoặc góp vốn thực hiện ký hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, cho thuê mua bất động sản”. Bởi, bất động sản là một tài sản có giá trị lớn, việc ủy quyền để ký hợp đồng mua bán có thể gây ra tình trạng các bên thông đồng để tạo lập hợp đồng giả tạo nhằm trốn thuế, hoặc lừa đảo gây thiệt hại cho nhà đầu tư.
  • Gửi tiền tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng: Theo Khoản 1 Điều 12 Thông tư 48/2018/TT-NHNN quy định về tiền gửi tiết kiệm do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành, có quy định: “Người gửi tiền phải trực tiếp đến địa điểm giao dịch của tổ chức tín dụng và xuất trình Giấy tờ xác minh thông tin của người gửi tiền; trường hợp gửi tiền gửi tiết kiệm chung, tất cả người gửi tiền phải trực tiếp xuất trình Giấy tờ xác minh thông tin của mình. Trường hợp gửi tiền gửi tiết kiệm thông qua người đại diện theo pháp luật, người đại diện theo pháp luật phải xuất trình giấy tờ chứng minh tư cách đại diện của người đại diện theo pháp luật, Giấy tờ xác minh thông tin của người đại diện theo pháp luật và Giấy tờ xác minh thông tin của người gửi tiền”. Như vậy, pháp luật cho phép người gửi tiền là người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật nhưng không được là người đại diện theo ủy quyền.
  • Về quyết toán thuế: Căn cứ theo tiểu mục 2 Mục 3 Công văn 5749/CT-TNCN năm 2018 hướng dẫn về những trường hợp cá nhân không được ủy quyền quyết toán thuế thu nhập cá nhân như sau:
    – Cá nhân đảm bảo điều kiện được ủy quyền nhưng đã được tổ chức trả thu nhập cấp chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân thì không ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức trả thu nhập (trừ trường hợp tổ chức trả thu nhập đã thu hồi và hủy chứng từ khấu trừ thuế đã cấp cho cá nhân).
    – Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một đơn vị nhưng vào thời điểm ủy quyền quyết toán thuế không làm việc tại tổ chức đó.
    – Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một đơn vị, đồng thời có thu nhập vãng lai chưa khấu trừ thuế hoặc khấu trừ thuế chưa đủ (bao gồm trường hợp chưa đến mức khấu trừ và đã đến mức khấu trừ nhưng không khấu trừ).
    – Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại nhiều nơi.
    – Cá nhân chỉ có thu nhập vãng lai đã khấu trừ thuế theo tỷ lệ 10% (kể cả trường hợp có thu nhập vãng lai duy nhất tại một nơi).
    – Cá nhân chưa đăng ký mã số thuế
    – Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công đồng thời thuộc diện xét giảm thuế do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo thì không ủy quyền quyết toán thuế mà cá nhân tự khai quyết toán thuế kèm theo hồ sơ xét giảm thuế.

Tổng kết:
Luật Giang Anh đã liệt kê cho Quý bạn đọc những trường hợp không được ủy quyền gắn với từng lĩnh vực pháp luật cụ thể, chúng tôi hy vọng bài viết sẽ giúp các bạn hiểu hơn về pháp luật tránh thực hiện sai.
Bên cạnh đó, hiện nay, Luật Giang Anh đang là đơn vị tư vấn luật chuyên sâu, ngoài ra chúng tôi nhận đại diện theo ủy quyền tham gia tố tụng và ngoài tố tụng đối với các vụ việc, nếu quý bạn đọc cần tư vấn hoặc tìm người đại diện theo ủy quyền, liên hệ ngay với chúng tôi tại:
CÔNG TY LUẬT TNHH GIANG ANH
Website: gianganhlaw.com
Email: gal.attorneys@gmail.com
Hotline: 0345 428 668
VPGD: P.311, Tòa nhà 142 Lê Duẩn, Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *