Ly hôn đơn phương có khó không?

Những năm gần đây, tình trạng ly hôn ngày càng gia tăng, đặc biệt là ly hôn đơn phương theo yêu cầu của một bên. Các vụ án ly hôn đơn phương có đặc điểm phức tạp đòi hỏi người yêu cầu ly hôn phải nắm vững các quy định của pháp luật. Những vướng mắc về việc ly hôn đơn phương sẽ được giải đáp qua bài viết sau.

1. Những khó khăn khi làm thủ tục ly hôn đơn phương

1.1. Mất giấy chứng nhận kết hôn

Để có căn cứ cho Tòa án giải quyết ly hôn đơn phương thì giấy chứng nhận kết hôn là một trong những giấy tờ bắt buộc phải có trong hồ sơ xin ly hôn. Nếu bị mất bản chính giấy chứng nhận kết hôn, bạn có thể nộp cho Tòa án bản sao kèm theo đơn giải trình về việc không còn bản chính. Trong trường hợp không còn bản sao nào, bạn có thể xin cấp bản sao trích lục kết hôn hoặc làm lại giấy chứng nhận kết hôn tại Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký kết hôn trước đây để nộp hồ sơ xin cấp lại giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Sau khi được cấp lại giấy chứng nhận kết hôn bạn có thể nộp giấy này lên Tòa án kèm các hồ sơ khác để thực hiện ly hôn đơn phương.

1.2. Mất giấy khai sinh của con

Giấy khai sinh của con cũng là một trong những giấy tờ không thể thiếu trong hồ sơ xin ly hôn. Việc không có loại giấy tờ này sẽ khiến cho hồ sơ của bạn bị thiếu sót và Tòa án sẽ không thể đưa ra phán quyết về quyền nuôi con. Khi mất giấy khai sinh của con, bạn có thể liên hệ với cơ quan hộ tịch nơi cấp giấy khai sinh bản gốc cho con để xin bản sao theo quy định tại Điều 24 Nghị định 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 để nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ ly hôn đơn phương.

1.3. Ly hôn đơn phương với người bỏ nhà đi

Trong trường hợp vợ hoặc chồng muốn ly hôn đơn phương với người chồng hoặc người vợ bỏ nhà đi đã lâu thì phải làm thế nào?

Khoản 1 và khoản 2 Điều 68 Bộ luật dân sự 2015 quy định về việc tuyên bố mất tích như sau: “1. Khi một người biệt tích 02 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích. Thời hạn 02 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng”

Như vậy, người muốn ly hôn đơn phương với người bỏ nhà đi đã lâu (trên 02 năm) phải làm đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố vợ hoặc chồng mình đã mất tích sau đó tiến hành thủ tục yêu cầu ly hôn đơn phương.

2. Cơ sở pháp lý

Ly hôn đơn phương được quy định tại Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:

“1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.”

Theo quy định trên thì Tòa án sẽ tiến hành giải quyết cho ly hôn khi quan hệ hôn nhân của hai bên đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

    • Tình trạng hôn nhân của vợ chồng trầm trọng, đã đến thời kì không thể cứu vãn và không còn tìm được tiếng nói chung;
    • Đời sống chung không thể kéo dài do các khúc mắc và bất đồng dâng cao;
    • Mục đích của hôn nhân không đạt được.

3. Kinh nghiệm ly hôn đơn phương

Chia sẻ thực tế từ vụ việc ly hôn đơn phương của chị X sau đây sẽ giúp bạn có thêm những kinh nghiệm cho mình khi ly hôn đơn phương:

“Tôi quen chồng mình qua lời giới thiệu của một người bạn. Thấy anh cùng quê lại có vẻ hiền lành tử tế nên chỉ 6 tháng hẹn hò, tôi đã quyết định kết hôn với anh vào năm 2012. Khi chung sống một nhà, tôi mới biết mình đã quá vội vàng khi không tìm hiểu kỹ đối tượng. Anh có vẻ là người hiền lành nhưng cục tính, dễ nổi nóng. Có gì không vừa ý là lại đánh đập xúc phạm tôi ngay. Vì vậy, tôi suy sụp và về thể chất và tinh thần. Nhận được sự động viên của bố mẹ đẻ, tôi quyết định ly hôn sau 2 năm chung sống. Chúng tôi không có con chung nên ly hôn tại thời điểm này là thích hợp nhất. Thế nhưng, khi tôi đề nghị ly hôn, anh ta lập tức quát tháo, không đồng ý ký giấy ly hôn thuận tình. Việc này cứ kéo dài khiến tôi không thể dứt bỏ hoàn toàn mối quan hệ với người chồng này. Tôi quyết định dọn về nhà bố mẹ đẻ gần đó để ở hẳn và nộp đơn ly hôn đơn phương. Tuy nhiên, các giấy tờ quan trọng cần thiết để làm hồ sơ như giấy đăng ký kết hôn, sổ hộ khẩu… Liên hệ với chồng thì anh ta quát tháo dọa nạt rằng tôi không thể ly hôn nếu như anh ta không đưa những giấy tờ. Trong lúc tuyệt vọng, tôi nhận được lời khuyên nên đi tìm luật sư. Tôi đã nhận được sự tư vấn về các thủ tục cũng như các quy định của pháp luật. Về giấy đăng ký kết hôn, tôi tới xin Uỷ ban nhân dân xã nơi chúng tôi đăng ký kết hôn để yêu cầu trích lục lại hồ sơ về việc đã đăng ký kết hôn và xin bản sao. Sau đó tôi nộp bản sao đó cho Tòa án cùng với đơn tường trình lý do không có bản chính. Sổ hộ khẩu tôi tới công an cấp xã thường trú xác nhận rằng mình là nhân khẩu thường trú tại địa phương nên cũng không cần tới sổ hộ khẩu mà chồng giữ. Vì vậy tôi đã nộp được đủ hồ sơ xin ly hôn đơn phương. Nhờ tìm đến luật sư mà quá trình ly hôn đơn phương của tôi diễn ra nhanh hơn. Tôi đã giải thoát được cuộc hôn nhân trầm trọng của mình và bắt đầu cuộc sống mới.”

Từ những chia sẻ trên, có thể thấy rằng việc ly hôn đơn phương sẽ dễ dàng hơn khi bạn nắm chắc các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế, các quy định của pháp luật về ly hôn đơn phương nói chung và về Hôn nhân-gia đình nói riêng được quy định trong rất nhiều văn bản pháp luật khác nhau (Luật Hôn nhân gia đình, Luật Tố tụng dân sự, Luật cư trú…) cùng hàng loạt những nghị định, thông tư hướng dẫn kèm theo nên việc nắm bắt hết các các quy định này chưa bao giờ là điều dễ dàng. Vì vậy, không tính các chuyên gia thì sự thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực này khiến cho việc ly hôn đơn phương trở nên khó khăn với hầu hết chúng ta. Khi đối mặt với việc ly hôn đơn phương, sự lựa chọn thông minh nhất đó là nhờ đến sự hỗ trợ của luật sư. Các luật sư với nhiều năm kinh nghiệm và hiểu biết pháp luật trong lĩnh vực này sẽ đưa ra cho bạn những lời khuyên đúng đắn, kịp thời cũng như những giải pháp hiệu quả và nhanh chóng để bảo đảm quyền lợi tối đa cho bạn.

Trường hợp còn bất cứ câu hỏi nào chưa được giải đáp hoặc có thắc mắc cần tư vấn, trợ giúp của các luật sư, bạn có thể liên hệ với Công ty luật TNHH Giang Anh qua địa chỉ Website: https://gianganhlaw.com hoặc Hotline tư vấn: 0345 428 668.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *