Mục Lục
Khi nhắc đến “doanh nghiệp nhà nước”, không ít người cho rằng những nhóm doanh nghiệp này đại diện cho “nhà nước” làm kinh tế ở những lĩnh vực nhất định nên phải có lãnh đạo là người Việt Nam. Thực tế có phải như vậy hay không?
1. Doanh nghiệp nhà nước và các văn bản quy định chi tiết
Trước đây, theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014, “doanh nghiệp nhà nước” là những doanh nghiệp có 100% vốn chủ sở hữu thuộc về nhà nước. Tuy nhiên, từ khi Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực thi hành (từ 1/1/2021) khái niệm này đã có sự thay đổi lớn, cụ thể tại Khoản 11 Điều 3 Luật này định nghĩa: “Doanh nghiệp nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại Điều 88 của Luật này.”
Nghị định 159/2020/NĐ-CP về quản lý người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp được ban hành, thay thế cho Nghị định 97/2015/NĐ-CP. Tuy nhiên, đối tượng điều chỉnh của Nghị định 159 là: Người giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (sau đây gọi là người quản lý doanh nghiệp nhà nước) (Khoản 4 Điều 2), bao gồm:
“a) Chủ tịch Hội đồng thành viên;
b) Chủ tịch công ty (đối với công ty không có Hội đồng thành viên);
c) Thành viên Hội đồng thành viên;
d) Tổng giám đốc;
đ) Giám đốc;
e) Phó tổng giám đốc;
g) Phó giám đốc;
h) Kế toán trưởng.”
2. Người quản lý doanh nghiệp nhà nước có thể là người nước ngoài được không ?
Theo quy định tại Điều 28 Nghị định 159, điều kiện bổ nhiệm người quản lý doanh nghiệp nhà nước bao gồm:
“1. Bảo đảm tiêu chuẩn chung theo quy định của Đảng, Nhà nước và tiêu chuẩn cụ thể của chức danh bổ nhiệm theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
2. Được quy hoạch vào chức danh bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự tại chỗ hoặc được quy hoạch vào chức danh tương đương nếu là nguồn nhân sự từ nơi khác. Trường hợp doanh nghiệp mới thành lập chưa thực hiện việc phê duyệt quy hoạch thì do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
3. Có hồ sơ, lý lịch cá nhân được xác minh, có bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định.
4. Tuổi bổ nhiệm:
a) Phải đủ tuổi (tính theo tháng) để công tác trọn một nhiệm kỳ của chức danh quản lý, tính từ khi thực hiện quy trình bổ nhiệm; trường hợp đặc biệt báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định;
b) Trường hợp do nhu cầu công tác mà được giao giữ chức vụ mới tương đương hoặc thấp hơn chức vụ đang giữ thì không tính tuổi bổ nhiệm theo quy định tại điểm a khoản này.
5. Đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
6. Không thuộc các trường hợp bị cấm đảm nhiệm chức vụ theo quy định của pháp luật.
7. Không trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử. Trường hợp doanh nghiệp đang trong thời gian cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra thì cấp có thẩm quyền trao đổi với cơ quan thanh tra, kiểm tra về nhân sự được đề nghị bổ nhiệm trước khi quyết định.”
Theo đó, không có quy định bắt buộc người quản lý doanh nghiệp nhà nước phải là người Việt Nam. Bởi lẽ thực chất doanh nghiệp nhà nước được lập ra với mục đích làm kinh tế, vấn đề quốc tịch của người lãnh đạo hoàn toàn không phải là một trở ngại cho việc quản lý, điều hành.
Tuy nhiên, có thể thấy tại tiêu chí đầu tiên vẫn có quy định việc bổ nhiệm phải theo tiêu chuẩn của cơ quan chủ quản, nếu cơ quan đó có yêu cầu không nhận người nước ngoài quản lý doanh nghiệp thì cũng phải tuân theo nguyên tắc. Ngoài ra, với những doanh nghiệp không hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của nhà nước (doanh nghiệp có tối đa 49% vốn điều lệ thuộc quyền sở hữu của nhà nước), việc lựa chọn người quản lý sẽ không nhất thiết phải áp dụng Nghị định này, họ hoàn toàn có thể đưa ra những chính sách bổ nhiệm riêng.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Trường hợp còn bất cứ câu hỏi nào chưa được giải đáp hoặc có thắc mắc cần tư vấn, trợ giúp của các luật sư, bạn có thể liên hệ với Công ty luật TNHH Giang Anh qua địa chỉ E-mail: gal.attorneys@gmail.com hoặc Hotline tư vấn: 0345 428 668.