Những điểm mới của Bộ luật Lao động 2019 về tranh chấp lao động cá nhân và giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

Tranh chấp lao động (TCLĐ) cá nhân là loại TCLĐ phổ biến nhất không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các quốc gia trên thế giới bởi tính chất nhạy cảm của loại tranh chấp này liên quan thiết thực đến quyền và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động. Trên cơ sở phân tích sơ bộ các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về cơ chế giải quyết tranh chấp lao động cá nhân, Bộ luật lao động 2019 đã tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật Việt Nam để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động khi xảy ra tranh chấp, đồng thời tiến tới xây dựng một hệ thống tố tụng hợp lý.

1. Thay đổi về khái niệm tranh chấp lao động

BLLĐ 2019 bên cạnh việc kế thừa BLLĐ 2012 còn mở rộng và quy định cụ thể rõ ràng hơn trong khái niệm và cách xác định TCLĐ, cụ thể: Khoản 1 Điều 179 BLLĐ 2019 quy định:

“Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, lợi ích phát sinh giữa các bên trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ lao động; tranh chấp giữa các tổ chức đại diện người lao động với nhau; tranh chấp phát sinh từ quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động.”

Điều luật chỉ ra các loại TCLĐ bao gồm:

  • TCLĐ cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động; giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại;
  • TCLĐ tập thể về quyền hoặc về lợi ích giữa một hay nhiều tổ chức đại diện người lao động với người sử dụng lao động hoặc một hay nhiều tổ chức của người sử dụng lao động.

2. Thay đổi trong nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động

BLLĐ 2019 kế thừa các nguyên tắc giải quyết TCLĐ của BLLĐ 2012 nhưng sửa đổi về câu từ nhằm đề cao quyền tự định đoạt cũng như việc hòa giải, cụ thể: Giữ nguyên 02 nguyên tắc: “Công khai, minh bạch, khách quan, kịp thời, nhanh chóng và đúng luật”“Bảo đảm sự tham gia của đại diện các bên trong quá trình giải quyết”.

Sửa đổi và rút gọn 04 nguyên tắc còn lại của BLLĐ 2012 thành 03 nguyên tắc của BLLĐ 2019:

  • Tôn trọng quyền tự định đoạt thông qua thương lượng của các bên trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp lao động;
  • Coi trọng giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải, trọng tài trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của hai bên tranh chấp, tôn trọng lợi ích chung của xã hội, không trái pháp luật;
  • Việc giải quyết tranh chấp lao động do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tiến hành sau khi có yêu cầu của bên tranh chấp hoặc theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và được các bên tranh chấp đồng ý.

3. Chủ thể có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

So với BLLĐ 2012, BLLĐ 2019 đã thu gọn từ 4 phương thức giải quyết tranh chấp xuống còn 3 phương thức (bỏ phương thức giải quyết tranh chấp lao động do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tiến hành) nhưng trong giải quyết tranh chấp cá nhân BLLĐ 2019 đã bổ sung thêm người có thẩm quyền giải quyết là “Hội đồng trọng tài lao động” (khoản 2 Điều 187).

Việc quy định thêm chủ thể có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là Hội đồng trọng tài lao động sẽ giúp cho các bên tranh chấp có thêm sự lựa chọn từ đó bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp họ. Đồng thời, việc bổ sung các quy định mới quy định chi tiết về điều kiện, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động cá nhân của Hội đồng trọng tài lao động đã tạo cơ sở pháp lý giúp cho việc áp dụng trên thực tiễn được thuận lợi, dễ dàng hơn.

Cũng giống như BLLĐ 2012, BLLĐ 2019 cũng quy định đối với tranh chấp lao động cá nhân là:

“Mọi tranh chấp lao động đều phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác giải quyết, trừ 05 loại tranh chấp:

Về xử lý kỷ luật sa thải hoặc bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;

Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;

Về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế;

Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.”

Nhưng khác với Điều 201 BLLĐ 2012, Điều 188 BLLĐ 2019 còn mở rộng thêm các trường hợp tranh chấp về bảo hiểm: “về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;” và bổ sung thêm trường hợp tranh chấp không phải hòa giải “e) Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.”

Như vậy, BLLĐ 2019 đề cao việc hòa giải và coi hòa giải là một trong những phương án tối ưu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động.

4. Thủ tục giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

Liên quan đến thủ tục giải quyết tranh chấp lao động cá nhân, BLLĐ 2019 cũng có một số điểm mới so với quy định trước đây. Cụ thể: Đối với tranh chấp lao động cá nhân, BLLĐ 2019 đã bổ sung một số tranh chấp lao động cá nhân không bắt buộc qua thủ tục hòa giải của Hòa giải viên lao động.

Theo đó, khoản 1, Điều 188 BLLĐ 2019 quy định: Tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:

  • Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
  • Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động; Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;
  • Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;
  • Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
  • Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.

Có thể thấy, so với quy định trước đây thì ngoài tranh chấp về bảo hiểm xã hội và tranh chấp về bảo hiểm y tế, BLLĐ 2019 đã bổ sung thêm bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm; về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động. Ngoài ra, BLLĐ 2019 còn bổ sung thêm một tranh chấp lao động mới không qua thủ tục hòa giải là tranh chấp giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.

Tóm lại, việc xảy ra tranh chấp trong quan hệ lao động là điều không ai mong muốn nhưng cũng không thể tránh khỏi. Vấn đề đặt ra là khi phát sinh tranh chấp thì tranh chấp đó sẽ được giải quyết như thế nào để có thể đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến tranh chấp và giải quyết TCLĐ trong BLLĐ 2019 không chỉ đáp ứng được yêu cầu phát triển của các quan hệ xã hội nói chung và quan hệ lao động nói riêng, mà còn góp phần vào việc bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ lao động, đặc biệt là đối với người lao động – bên luôn được xem là yếu thế hơn so với người sử dụng lao động.

Trường hợp còn bất cứ câu hỏi nào chưa được giải đáp hoặc có thắc mắc cần tư vấn, trợ giúp của các luật sư, bạn có thể liên hệ với Công ty luật TNHH Giang Anh qua địa chỉ email: https://hanoiattorneys.com hoặc Hotline tư vấn: 034 542 8668.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *