Quy trình xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ của Ngân hàng

Trong nhiều năm trở lại đây, hoạt động tín dụng tại Việt Nam diễn ra ngày càng sôi động dẫn đến nhu cầu vay và cho vay ngày một tăng cao. Các tổ chức tín dụng cung cấp các dịch vụ tài chính để giúp người vay tiền có thể mua những thứ họ cần mà không phải trả toàn bộ số tiền một lần. Biện pháp thế chấp tài sản vay vốn xuất hiện nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng và đồng thời giúp ngân hàng quản lý rủi ro tài chính. Tài sản đảm bảo sẽ được xử lý nhằm thu hồi nợ khi người vay không còn đủ khả năng thanh toán nợ theo thỏa thuận đã ký kết trước đó với Ngân hàng. Quy trình xử lý tài sản đảm bảo có những điều cần lưu ý, bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cơ bản về quy trình này.

Quy định pháp luật về các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm

Việc xử lý tài sản bảo đảm chỉ được thực hiện khi có căn cứ luật định xảy ra, cụ thể trong các trường hợp sau:
Thứ nhất, nghĩa vụ được bảo đảm bị vi phạm khi đến hạn. Ví dụ, trong Hợp đồng vay, trường hợp người vay không thực hiện nghĩa vụ trả lãi theo kỳ hạn hoặc khi đến thời hạn trả nợ gốc, người vay không trả được nợ, thì bên nhận thế chấp có thể căn cứ vào điều này để yêu cầu bên thế chấp xử lý tài sản bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ trả nợ.
Thứ hai, nghĩa vụ được bảo đảm bị vi phạm trước thời hạn mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng hay do pháp luật quy định. Ví dụ: trong Hợp đồng tín dụng, các bên thỏa thuận thời hạn vay là 05 năm, nhưng mới được 01 năm thì Ngân hàng phát hiện khách hàng sử dụng tiền vay sai mục đích và yêu cầu thu hồi nợ trước hạn. Trường hợp khách hàng không trả được nợ, ngân hàng có thể căn cứ vào đó để xử lý tài sản bảo đảm trước thời hạn.
Thứ ba, xử lý theo các trường hợp luật có quy định. Ví dụ, pháp luật quy định tài sản bảo đảm phải được xử lý để bên thế chấp thực hiện các nghĩa vụ khác, cụ thể: trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm cho việc thực hiện nhiều nghĩa vụ, khi một nghĩa vụ đến hạn, thì các nghĩa vụ khác tuy chưa đến hạn đều được coi là đến hạn và tất cả các bên cùng nhận bảo đảm đều được tham gia xử lý tài sản. Hoặc khi các bên có thỏa thuận, trường hợp bên thế chấp đang kinh doanh thua lỗ, không có khả năng trả nợ, nhưng nhận thấy nhà đất đang thế chấp tại Ngân hàng nếu được xử lý sẽ đem lại một khoản tiền lớn, đủ để trả hết nợ và còn dư một phần làm vốn làm ăn. Nếu được Ngân hàng chấp thuận, thì tài sản bảo đảm sẽ được xử lý trước hạn.
Thứ tư, xử lý trong trường mặc dù luật không có quy định nhưng các bên đã có thỏa thuận và thỏa thuận này không trái với quy định của pháp luật.

Quy trình xử lý tài sản bảo đảm

Thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm

Trước khi xử lý tài sản bảo đảm, bên nhận bảo đảm phải thông báo bằng văn bản trong một thời hạn hợp lý về việc xử lý tài sản bảo đảm cho bên bảo đảm và các bên cùng nhận bảo đảm khác.
Đối với tài sản bảo đảm có nguy cơ bị hư hỏng dẫn đến bị giảm sút giá trị hoặc mất toàn bộ giá trị thì bên nhận bảo đảm có quyền xử lý ngay, đồng thời phải thông báo cho bên bảo đảm và các bên nhận bảo đảm khác về việc xử lý tài sản đó.
Trường hợp bên nhận bảo đảm không thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm theo quy định mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho bên bảo đảm, các bên cùng nhận bảo đảm khác.
Văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm có nội dung chủ yếu như sau:
(i) Lý do xử lý tài sản bảo đảm;
(ii) Tài sản bảo đảm sẽ bị xử lý (mô tả tài sản);
(iii) Thời gian, địa điểm xử lý tài sản bảo đảm.
Phương thức thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm thực hiện theo thỏa thuận. Trường hợp không có thỏa thuận thì bên nhận bảo đảm gửi trực tiếp văn bản thông báo cho bên bảo đảm hoặc thông qua ủy quyền, dịch vụ bưu chính, phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu hoặc phương thức khác đến địa chỉ được bên bảo đảm cung cấp.
Ngay khi nhận được Thông báo xử lý tài sản bảo đảm, nếu không muốn bị xử lý tài sản, bên bảo đảm cần phải gấp rút thực hiện ngay các công việc cần thiết để tạm dừng việc xử lý. Các bạn có thể tham khảo bài viết: Biện pháp hữu ích để dừng xử lý tài sản bảo đảm?

Giao tài sản bảo đảm để xử lý

Người đang giữ tài sản bảo đảm có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm cho bên nhận bảo đảm để xử lý khi thuộc một trong các trường hợp bị xử lý tài sản bảo đảm tại Mục 1 nêu trên. Trường hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản thì bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy trình, thủ tục tố tụng dân sự.

Xử lý tài sản bảo đảm

Phương thức xử lý tài sản bảo đảm theo thỏa thuận của các bên

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 303 BLDS 2015, bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận một trong các phương thức xử lý tài sản bảo đảm sau đây:
“a) Bán đấu giá tài sản;
b) Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản;
c) Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm;
d) Phương thức khác”.
Theo đó, khi các bên đạt được thỏa thuận, việc xử lý tài sản bảo đảm sẽ diễn ra một cách nhẹ nhàng, đơn giản theo đúng phương thức mà các bên đã thỏa thuận như:
(i) Bán tài sản: là trường hợp bên bảo đảm tự nguyện bán tài sản hoặc ủy quyền cho bên nhận bảo đảm bán tài sản bảo đảm;
(ii) Bên nhận bảo đảm nhận tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ. Có hai cách thức nhận tài sản, đó là: bên nhận bảo đảm dùng tài sản bảo đảm để gán nợ hoặc tài sản bảo đảm được bán lại cho bên nhận bảo đảm.

Phương thức xử lý tài sản bảo đảm theo pháp luật

Căn cứ khoản 2 Điều 303 BLDS 2015: “Trường hợp không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại khoản 1 Điều này thì tài sản được bán đấu giá, trừ trường hợp luật có quy định khác”.
Trong trường hợp bên bảo đảm không có sự hợp tác, tự nguyện để xử lý tài sản bảo đảm, bên nhận bảo đảm có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền yêu cầu cơ quan thi hành án xử lý tài sản bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm. Cơ quan thi hành án, sau khi có phán quyết của Tòa, sẽ tiến hành kê biên, phát mại tài sản bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.
Tham khảo: Giá tài sản được tính như thế nào?
Nếu không đồng ý với kết quả định giá tài sản thì phải làm gì?

Thanh toán số tiền có được từ việc xử lý tài sản bảo đảm

Điều 307 BLDS 2015 quy định về việc thanh toán số tiền có được từ việc xử lý tài sản bảo đảm như sau:
(i) Số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau khi thanh toán chi phí bảo quản, thu giữ và xử lý tài sản cầm cố, thế chấp được thanh toán theo thứ tự ưu tiên quy định tại Điều 308 của BLDS;
(ii) Trường hợp số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau khi thanh toán chi phí bảo quản, thu giữ và xử lý tài sản cầm cố, thế chấp lớn hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm thì số tiền chênh lệch phải được trả cho bên bảo đảm.
(iii) Trường hợp số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau khi thanh toán chi phí bảo quản, thu giữ và xử lý tài sản cầm cố, thế chấp nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm thì phần nghĩa vụ chưa được thanh toán được xác định là nghĩa vụ không có bảo đảm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bổ sung tài sản bảo đảm. Bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ được bảo đảm phải thực hiện phần nghĩa vụ chưa được thanh toán.

Trên đây là một số quy định pháp luật liên quan tới quy trình xử lý tài sản bảo đảm của Ngân hàng hiện nay. Luật Giang Anh hy vọng những kiến thức trên mà chúng tôi cung cấp có thể giúp ích cho Quý Khách hàng.
Nếu còn bất cứ thắc mắc nào cần giải đáp hoặc cần tư vấn, vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH GIANG ANH
Website: gianganhlaw.com
Email: gal.attorneys@gmail.com
Hotline: 0345 428 668
VPGD: P.311, Tòa nhà 142 Lê Duẩn, Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *