SỰ TRẢ GIÁ CỦA 13 KẺ GIẾT NGƯỜI TẠI HẢI DƯƠNG

Vào ngày 15/1/2024, tại trụ sở TAND tỉnh Hải Dương, TAND cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Giết người, Gây rối trật tự công cộng, xảy ra hồi tháng 3/2023 tại huyện Gia Lộc, Hải Dương.

Phiên tòa trên được mở do vợ chồng ông Nguyễn Đình Khoa (40 tuổi, ở Gia Lộc) và vợ là Nguyễn Thị Vân (39 tuổi), là bố mẹ đẻ của nạn nhân, đã viết đơn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm được TAND tỉnh Hải Dương xét xử vào ngày 26-27/9/2023.

Đề nghị của gia đình bị hại

Trình bày tại tòa, vợ chồng ông Khoa thống nhất kháng cáo với 11 bị cáo bị xét xử tội Gây rối trật tự công cộng. Vợ chồng ông cho rằng, bản án sơ thẩm tuyên 11 bị cáo này ở mức hình phạt quá nhẹ, không đủ sức răn đe.

Vợ chồng Khoa đề nghị Tòa án cấp cao nâng mức hình phạt đối với 11 bị cáo này và đề nghị HĐXX hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ để khởi tố, truy tố 11 bị cáo trên thêm tội Giết người với vai trò đồng phạm và tội Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

Như vậy, gia đình của bị hại đã có những đề nghị HĐXX tuyên xử các bị cáo chịu thêm tội danh.

Nhận định của GAL:

Cần phân biệt rõ Tội giết người và Tội không cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm:
Khi nghiên cứu hành vi khách quan của “Tội giết người” cần phân biệt “Tội giết người” với “Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”. Nếu hành vi khách quan của “Tội giết người” là hành vi cố ý gây ra cái chết cho nạn nhân thì hành vi khách quan của “Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” chỉ là hành vi cố ý không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

Thực tiễn xét xử cho thấy, để xác định đúng tội danh chúng ta cần phân biệt hai tội này qua các tiêu chí cơ bản sau đây:

– Thứ nhất, nếu nạn nhân bị chết do tình trạng nguy hiểm đến tính mạng thì: Định Tội giết người khi người phạm tội vì mong muốn hoặc có ý thức bỏ mặc cho hậu quả chết người xảy ra nên đã cố ý đặt nạn nhân vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Định tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng khi người phạm tội chỉ vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm đến tính mạng của nạn nhân, trước đó người phạm tội không có bất kỳ hành vi cố ý nào xâm phạm tính mạng hoặc sức khoẻ của nạn nhân.
– Thứ hai, nếu nạn nhân bị chết không phải do tình trạng nguy hiểm đến tính mạng mà do hành vi của người phạm tội cố ý gây ra, thì người thực hiện hành vi cố ý gây ra cái chết cho nạn nhân chỉ có thể phạm tội giết người mà không phạm tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

Từ đây có thể hiểu rằng, nếu 11 bị cáo trong vụ án trên cố tình và phạm tội giết người thì sẽ không thể có ý thức cứu giúp người khác, mục đích của họ là hướng đến cái chết của nạn nhân, do đó, không thể qui thêm tội danh Không cứu người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng cùng với Tội giết người cho 11 bị cáo.

Ngay trong buổi xét xử phúc thẩm, Chủ tọa cũng đã đưa ra lời giải thích đối với đề nghị của gia đình nạn nhân như sau: “Bởi bị cáo đã cố tình và phạm tội Giết người thì làm gì có ý thức cứu giúp mà thêm tội Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng?”. Giải thích thêm về đề nghị tăng hình phạt ở bản án sơ thẩm đối với 11 bị cáo về tội danh Gây rối trật tự công cộng, chủ tọa nói đề nghị này là không có căn cứ. Tội danh này các bị cáo xâm hại đến trật tự công cộng nhà nước, không gây ra cái chết cho nạn nhân, nên gia đình không có quyền đề nghị tăng hay giảm.

Nếu tuyên phạt 11 bị cáo trên với tội danh “Đồng phạm giết người” ?

Trong buổi xét xử phúc thẩm, luật sư đại diện phía gia đình bị hại đã đưa ra căn cứ cho thấy tính chất đồng phạm của 13 bị cáo rằng: 13 bị cáo đã tụ tập, chuẩn bị xe máy, hung khí là gạch để đi tìm nhóm thanh niên có mâu thuẫn nhằm ném.

Khi gặp nhóm của Long, các bị cáo đã ném gạch và trong đó có một bị cáo ném trúng nạn nhân và gây chết người. Những bị cáo còn lại có mặc dù không ném hoặc không ném trúng nạn nhân nhưng đã cổ vũ, hối thúc tinh thần để phạm tội. Từ phân tích trên, luật sư cho rằng, 11 bị cáo còn lại phải chịu thêm tội Giết người với vai trò đồng phạm.

Nhận định của GAL:

Theo quy định tại Điều 17 khoản 1 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017: “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”. Như vậy, đồng phạm tội giết người tức là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện giết người.

Cũng tại khoản 3 Điều 17 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017, có 04 loại đồng phạm: người tổ chức, người thực hành, người xúi giục và người giúp sức. Trong đó, người giúp sức là người tạo ra điều kiện tinh thần hay vật chất cho việc thực hiện tội phạm, tạo ra những điều kiện thuận lợi cho người đồng phạm khác thực hiện tội phạm. Nói cách khác, người giúp sức có thể thực hiện hành vi giúp sức về vật chất hoặc giúp sức về tinh thần cho những người đồng phạm khác thực hiện hành vi phạm tội.

Dựa theo lời trình bày của vị Luật sư đại diện phía gia đình bị hại thì 11 bị cáo còn lại đã có hành vi giúp sức về mặt tinh thần cho 02 bị cáo phạm tội giết người nên là đồng phạm.

Tuy nhiên, đại diện VKSND cấp cao tại Hà Nội giữ quyền công tố tại tòa lập luận, các bị cáo không bàn bạc với nhau để đi tìm ai, giết ai cụ thể, mà cứ đi trên đường nếu nhìn thấy nhóm nào nghi mâu thuẫn thì ném gạch. “Ở đây các bị cáo xác định mâu thuẫn không rõ ràng, đối tượng mâu thuẫn không rõ ràng. Bản thân các bị cáo khai có quen, chơi với nạn nhân, khi xảy ra án mạng mới biết là bạn mình. Do đó, không có sự bàn bạc từ trước để đi giết người. Khi xảy ra hậu quả, cá nhân nào trực tiếp gây ra sẽ chịu trách nhiệm. Do đó, 11 bị cáo khác không phải chịu thêm tội giết người như bản án sơ thẩm tuyên là có căn cứ”, đại diện VKS nêu quan điểm.

Tổng kết:

– Từ vụ án giết người tại Hải Dương của 13 bị cáo trên đủ để thấy bất cứ hành vi ngông cuồng, coi thường kỷ cương, luật pháp đều sẽ bị xử lý thích đang theo đúng quy định pháp luật.
– Nạn nhân của một vụ án giết người nói riêng và các vụ án hình sự khác nói chung mà có nhiều bị cáo thì không đương nhiên các bị cáo đều là người trực tiếp gây ra hậu quả. Yêu cầu đặt ra là cơ quan tiến hành tố tụng hay Luật sư cần phân định rõ bị cáo nào mới là người gây ra hậu quả trực tiếp cho bị hại để xử lý đúng người, đúng tội. Không thể quy kết tội chung cho tất cả các bị cáo trong khi kẻ trực tiếp tạo nên hậu quả lại chỉ có một.

Trên đây là những nhận định của GAL về vụ án giết tại TP. Hải Dương. Hiện tại, GAL đang là đơn vị tư vấn pháp luật chuyên nghiệp với đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm tham gia tố tụng đối với các vụ án hình sự. Nếu Quý bạn đọc có bất cứ thông tin nào cần giải đáp hoặc cần đến sự giúp đỡ của Luật sư, liên hệ ngay với chúng tôi tại:
CÔNG TY LUẬT TNHH GIANG ANH
Website: gianganhlaw.com
Email: gal.attorneys@gmail.com
Hotline: 0345 428 668
VPGD: P.311, Tòa nhà 142 Lê Duẩn, Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *