Thẩm quyền giải quyết vụ án có yếu tố nước ngoài

Với sự phát triển và hội nhập trên thế giới ngày càng được mở rộng kéo theo các tranh chấp có yếu tố nước ngoài (về dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động,…) phát sinh ngày càng nhiều. Rất nhiều người lầm tưởng rằng, hễ vụ việc có yếu tố nước ngoài thì sẽ thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Điều đó có thực sự đúng? Mời các bạn tìm hiểu cùng Công ty Luật TNHH Giang Anh về vấn đề này trong bài viết dưới đây.

Thế nào là “vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài”?

Căn cứ vào Khoản 2 Điều 464 BLTTDS 2015: “Vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài là vụ việc dân sự thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài;
b) Các bên tham gia đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài;
c) Các bên tham gia đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài”.

Xác định thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài.

Hiện nay, theo quy định của Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015 (BLTTDS 2015) Tòa án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính,…. (sau đây gọi tắt là vụ án dân sự).

Theo đó để biết được cơ quan có thẩm quyền xử lý các vụ việc có yếu tố nước ngoài hay không thì theo pháp luật về tố tụng dân sự sẽ xét theo thẩm quyền chung (Điều 469 BLTTDS 2015) và thẩm quyền riêng (Điều 470 BLTTDS 2015) của Tòa án Việt Nam trong giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài.

Sau khi xác định thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự thuộc trách nhiệm của Tòa án Việt Nam thì thẩm quyền cụ thể được xác định thế nào?

Căn cứ theo Khoản 2 Điều 469 BLTTDS 2015: “Sau khi xác định thẩm quyền của Tòa án Việt Nam theo quy định của Chương XXXVIII, Tòa án áp dụng các quy định tại Chương III của Bộ luật này để xác định thẩm quyền của Tòa án cụ thể giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài”. Có nghĩa, để biết được thẩm quyền cụ thể của từng Tòa án, ta dựa vào 03 cách xác định sau:

  • Xác định thẩm quyền theo lãnh thổ:

-Những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của BLTTDS 2015 sẽ do Tòa án nơi bị đơn là cá nhân cư trú, làm việc hoặc Tòa án nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức. Ngoài ra, các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức (điểm a Khoản 1).

-Đặc biệt, đối với những tranh chấp liên quan đến bất động sản sẽ thuộc thẩm quyền của Tòa án nơi có bất động sản. Đối với những tranh chấp về vấn đề này, các bên đương sự không có quyền thỏa thuận về việc yêu cầu tòa án nơi không có bất động sản giải quyết.

  • Xác định thẩm quyền theo cấp:

-Đối với TAND cấp huyện:

+) TAND cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam theo quy định của Bộ luật này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam. (Khoản 4 Điều 35 BLTTDS 2015)

+) Ngoài ra, trường hợp đương sự là người nước ngoài định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam và có mặt tại Việt Nam vào thời điểm tòa án thụ lý vụ việc dân sự cũng thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp huyện (Điều 7 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP)
Đối với TAND cấp tỉnh:

+) Những tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thuộc thẩm quyền của TAND cấp tỉnh (khoản 3 Điều 35 BLTTDS 2015)

+) Ngoài ra, trường hợp người nước ngoài không định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam mà là đương sự trong vụ việc dân sự thì dù họ có mặt hay không có mặt tại thời điểm khởi kiện thì đều xem là vụ việc có đương sự ở nước ngoài và thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp tỉnh (Điều 7 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP)

  • Xác định thẩm quyền theo lựa chọn:

Nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động trong các trường hợp thuộc khoản 1 Điều 40 BLTTDS 2015, như sau:

  • Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết
  • Nếu tranh chấp phát sinh từ hoạt động của chi nhánh tổ chức thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi tổ chức có trụ sở hoặc nơi tổ chức có chi nhánh giải quyết;
  • Nếu bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam hoặc vụ án về tranh chấp việc cấp dưỡng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết;
  • Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi xảy ra việc gây thiệt hại giải quyết;
  • Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động khác đối với người lao động thì nguyên đơn là người lao động có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết;
  • Nếu tranh chấp phát sinh từ việc sử dụng lao động của người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi người sử dụng lao động là chủ chính cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi người cai thầu, người có vai trò trung gian cư trú, làm việc giải quyết;
  • Nếu tranh chấp phát sinh từ quan hệ hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi hợp đồng được thực hiện giải quyết;
  • Nếu các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở ở nhiều nơi khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi một trong các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết;
  • Nếu tranh chấp bất động sản mà bất động sản có ở nhiều địa phương khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi có một trong các bất động sản giải quyết.

Nếu bài viết nêu trên vẫn chưa giúp bạn tìm ra câu trả lời trong một tình huống cụ thể mà bạn đang gặp phải, bạn có thể liên hệ tới Công ty Luật TNHH Giang Anh qua địa chỉ website: https://gianganhlaw.com hoặc Hotline tư vấn: 0345 428 668 để được hỗ trợ kịp thời. Chúng tôi sẽ giúp bạn giải đáp mọi thắc mắc và giải quyết vấn đề.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *