Mục Lục
Giao dịch trong thương mại quốc tế là một thị trường màu mỡ đối với các doanh nghiệp trong nước, ngoài nước. Tuy nhiên, quá trình giao dịch trên thị trường này còn tồn tại nhiều rủi ro. Nguyên nhân bởi rào cản về mặt địa lý khiến việc xác minh tính an toàn giao dịch trở nên khó khăn. Chính vì thế, thư tín dụng (L/C) được tạo ra và trở thành giải pháp bảo đảm cho doanh nghiệp trong quá trình giao dịch. Vậy thư tín dụng là gì? Pháp luật quy định như thế nào về phương thức thanh toán này. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu thông qua bài viết sau đây.
Thư tín dụng (L/C) là gì ?
Căn cứ theo khoản 15 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định:
“Cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản là việc cung ứng phương tiện thanh toán; thực hiện dịch vụ thanh toán séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng, thư tín dụng và các dịch vụ thanh toán khác cho khách hàng thông qua tài khoản của khách hàng.”
Thư tín dụng (L/C) được hiểu là hình thức cung ứng dịch vụ thanh toán của ngân hàng trong hoạt động Thương mại Quốc tế. Trong đó, ngân hàng theo yêu cầu của khách hàng (người nhập khẩu) sẽ cung cấp một chứng thư nhằm cam kết trả cho người thứ ba (người xuất khẩu) một số tiền đã định, trong một kỳ hạn nhất định khi nhà xuất khẩu đã thực hiện đầy đủ các điều khoản quy định.
Đặc điểm thanh toán thư tín dụng
- Bản chất L/C là giao dịch hai bên
Giao dịch được thực hiện bởi người xuất khẩu và Ngân hàng (là người đại diện cho người nhập khẩu). - L/C độc lập với hợp đồng ngoại thương.
Cụ thể, nhà xuất khẩu sẽ được đảm bảo thanh toán thông qua L/C khi xuất trình cho phía Ngân hàng bộ chứng từ hợp lệ với các quy định đề ra trong thư tín dụng. - L/C là hình thức thanh toán qua trung gian đảm bảo an toàn.
Chỉ khi nhận được hàng bên nhập khẩu mới phải trả tiền. Mặt khác, bên xuất khẩu sẽ chắc chắn được thanh toán đúng mà không cần quan tâm bên nhập khẩu có trả tiền hay không.
Các loại thư tín dụng phổ biến
- L/C có thể hủy bỏ
- L/C không thể hủy ngang
- L/C có xác nhận
- L/C chuyển nhượng
- L/C giáp lưng
- L/C tuần hoàn
- L/C dự phòng
- L/C đối ứng
- L/C có điều khoản đỏ
Các chủ thể trong thanh toán thư tín dụng
Quá trình thanh toán L/C cơ bản sẽ có 4 chủ thể chính sau đây:
- Ngân hàng phát hành L/C: Ngân hàng đại diện cho người nhập khẩu cấp thư tín dụng
- Người xuất khẩu: Người mua hàng, người nhập khẩu hàng hóa
- Người nhập khẩu: Người bán hàng, người xuất khẩu hàng hóa
- Ngân hàng thông báo L/C: có quan hệ đại lý với ngân hàng phát hành. Thực hiện đánh giá và chuyển L/C đến người bán.
Các quy định pháp luật về thanh toán thư tín dụng
Các quy định điều chỉnh L/C nằm trong Quyết định 802/QĐ-TTg năm 1997, Thông tư 07/1997/TT-NHNN7 hướng dẫn Quyết định 802/TTg-1997 chủ yếu nhằm xử lý vướng mắc trong thực tiễn áp dụng từ khi thanh toán L/C được áp dụng tại Việt Nam.
Các quy định chung
Căn cứ tại điều 1,2,3 Quyết định số 802/TTg năm 1997 và khoản 1,2,3,6 Thông tư số 07/1997/TT-NHNN7. Nhà nước đặt ra các quy định, yêu cầu chung đối với người nhập khẩu và ngân hàng phát hành thư tín dụng một số điểm như sau:
Doanh nghiệp nhập khẩu được Ngân hàng bảo lãnh mở thư tín dụng trả chậm, khi đến hạn thanh toán phải chấp hành nghiêm chỉnh nghĩa vụ thanh toán với ngân hàng bảo lãnh.
Trong trường hợp doanh nghiệp chậm hoặc chưa có khả năng thanh toán hoặc đã nộp tiền vào Ngân hàng bảo lãnh thì Ngân hàng bảo lãnh phải có trách nhiệm thanh toán cho nước ngoài đầy đủ, đúng hạn theo đúng Quy chế của Ngân hàng Nhà nước về mở thư tín dụng nhập hàng trả chậm và theo thông lệ Quốc tế.
Số nợ doanh nghiệp nhận nợ bắt buộc do Ngân hàng bảo lãnh thanh toán thay, không tính trong hạn mức dư nợ của doanh nghiệp và được xem xét phân loại xử lý.
Trường hợp Doanh nghiệp đã sử dụng vốn nhập hàng trả chậm không đúng mục đích: Doanh nghiệp có trách nhiệm thu hồi vốn hoàn trả Ngân hàng bảo lãnh số tiền Ngân hàng đã thanh toán thay cho Doanh nghiệp. Đồng thời, Doanh nghiệp phải nhận nợ vay Ngân hàng với lãi suất nợ quá hạn. Ngân hàng bảo lãnh chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để kiểm kê, đánh giá hàng hoá nhập khẩu, tài sản thế chấp và các tài sản khác liên quan để làm thủ tục xiết nợ, phát mại tài sản theo quy định của pháp luật để thu hồi nợ.
Trường hợp hàng hóa bị thất thoát do biển thủ, tham ô thì Ngân hàng bảo lãnh có quyền đề nghị Cơ quan Pháp luật truy tố.
Quy định chuyển giao
Căn cứ tại điều 4 Quyết định số 802/TTg năm 1997 và khoản 7 Thông tư số 07/1997/TT-NHNN7 quy định đối với tổ chức hay cá nhân bảo lãnh cho doanh nghiệp mở rộng L/C trả chậm hoặc bảo lãnh cho doanh nghiệp trong nước mua lại hàng hoá của các doanh nghiệp nhập khẩu hàng trả chậm.
Trong trường hợp đến hạn thanh toán doanh nghiệp nhập khẩu không có khả năng thanh toán thì tổ chức, cá nhân bảo lãnh phải chịu trách nhiệm thanh toán như sau:
Doanh nghiệp được tổ chức, cá nhân bảo lãnh để mở thư tín dụng trả chậm, nếu doanh nghiệp chưa có hoặc chưa có đủ khả năng thanh toán, thì tổ chức, cá nhân bảo lãnh phải thanh toán thay Doanh nghiệp để Ngân hàng thanh toán cho nước ngoài đúng hạn. Trường hợp Tổ chức hay cá nhân bảo lãnh không thực hiện nghĩa vụ của mình đối với Ngân hàng thì Ngân hàng được phát mại tài sản theo quy định của Pháp luật.
Tổ chức, cá nhân đứng ra bảo lãnh để doanh nghiệp mua lại hàng hoá của doanh nghiệp nhập khẩu, Doanh nghiệp nhập khẩu có trách nhiệm thanh toán cho ngân hàng. Nếu doanh nghiệp mua lại hàng hoá chưa có hoặc chưa có đủ khả năng thanh toán cho Doanh nghiệp nhập khẩu thì tổ chức, cá nhân đứng ra bảo lãnh cho Doanh nghiệp mua lại hàng hóa phải thực hiện thanh toán thay Doanh nghiệp mua hàng nhập khẩu. Trường hợp Tổ chức, cá nhân bảo lãnh không hoàn thành nghĩa vụ của mình đối với doanh nghiệp nhập khẩu thì thực hiện theo các quy định của pháp luật.
Quy định về xử lý tài sản
Đối với tài sản, hàng hoá mà các doanh nghiệp đã thế chấp, cầm cố với Ngân hàng để được L/C nhập hàng trả chậm hoặc thế chấp để bảo lãnh mua chịu hàng hoá nhập khẩu trả chậm, hoặc tài sản xiết nợ, cho phép Ngân hàng Thương mại được phép phát mại để thu hồi nợ.
Trên đây là một số quy định pháp luật liên quan tới thư tín dụng. Hiện tại, các quy định điều chỉnh đối với phương thức thanh quan quốc tế này là chưa nhiều. Song đó lại là những quy định quan trọng được tạo ra dựa trên thực thế các vướng mắc trong quá trình sử dụng. Luật Giang Anh hy vọng những kiến thức trên mà chúng tôi cung cấp có thể giúp ích cho doanh nghiệp của mọi người.
Nếu còn bất cứ thắc mắc nào cần giải đáp hoặc cần tư vấn, vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH GIANG ANH
Website: gianganhlaw.com
Email: gal.attorneys@gmail.com
Hotline: 0345 428 668
VPGD: P.311, Tòa nhà 142 Lê Duẩn, Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội