XỬ LÝ NHÓM TỘI PHẠM LỪA ĐẢO TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG

 Tóm tắt vụ án

Vừa qua, Công an quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội đã phá thành công chuyên án, bắt giữ ổ nhóm chuyên thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với quy mô lớn. Cụ thể, ngày 19/12/2023, sau nhiều ngày điều tra, Công an đã tổ chức bất ngờ kiểm tra 02 căn hộ tại chung cư tại phường Mộ Lao, Hà Đông và phường Thượng Đình, Thanh Xuân và bắt giữ 21 đối tượng có độ tuổi từ 18 – 25 sử dụng máy tính truy cập Internet thực hiện hành vi lừa đảo trên không gian mạng. Đứng đầu đường dây là anh N.Đ.T. Tại cơ quan công an, anh T cho biết, anh đã trả mức lương từ 100 triệu – 150 triệu/tháng cho trưởng nhóm, 20 triệu/tháng cho nhân viên là những người có chuyên môn về tin học, khoa học công nghệ, để tập trung làm việc tại các căn hộ chung cư khép kín. Công việc của họ là thu mua hàng nghìn tài khoản Facebook ảo trên mạng xã hội, đăng bài cần tuyển dụng cộng tác viên bán vé máy bay toàn quốc với mức chiết khấu cao (20% tiền vé); đồng thời để tạo lòng tin cho “con mồi”, sẽ có các đối tượng “chim mồi” giả làm khách đặt mua vé máy bay và tự tạo giao dịch thành công. Sau đó, đối tượng “chim mồi” tiếp tục đặt vé máy bay số lượng lớn, đến khi người bị hại chuyển tiền vào tài khoản của các đối tượng thì chúng chặn facebook, xóa toàn bộ dấu vết, các tài khoản đã sử dụng liên hệ với họ và cắt liên lạc. Số tiền chiếm đoạt được, T xóa dấu vết bằng cách chuyển qua sàn mua bán tiền ảo mở tại nước ngoài, gây khó khăn trong quá trình điều tra xác minh. Từ tháng 6/2023 đến khi bị bắt, các đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt 20 tỷ đồng của nhiều bị hại trên cả nước.
Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận Hà Đông đã ra Quyết định khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự đối với N.Đ.T và 13 đối tượng khác có liên quan về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 BLHS, tiếp tục củng cố tài liệu, xử lý các đối tượng liên quan.

Nhận định của Luật Giang Anh:

Đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tùy vào mức độ của hành vi mà đối tượng vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Xử phạt hành chính

Về xử phạt hành chính, điểm c Khoản 1 Điều 15 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, quy định mức xử phạt như sau đối với hành vi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác:
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
c) Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác;
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Điểm a, b, c Khoản 1; Điểm c, đ, e Khoản 2 Điều này”.
Theo đó, đối tượng vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 01 triệu đến 02 triệu, đồng thời, hình thức xử phạt bổ sung trong trường hợp này sẽ là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.

Xử lý hình sự

Về xử lý hình sự, theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người phạm tội có hành vi áp dụng các hình thức, thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác. Theo đó, nhóm đối tượng nêu trên đã dùng thủ đoạn gian dối, đưa ra thông tin giả, vờ như là tuyển cộng tác viên tham gia bán vé máy bay để ăn chiết khấu phần trăm, đồng thời sử dụng những hành động, cách thức để củng cố niềm tin của người khác, khiến bị hại tin việc mua bán là có thật và giao tài sản (ở đây là tiền) cho họ. Sau khi nhận được tiền, nhóm đối tượng “biến mất” bằng cách xóa tài khoản Facebook sử dụng để lừa bị hại. Số tiền chiếm đoạt được lên đến 20 tỷ đồng. Hành vi của anh T và nhóm đối tượng đã đủ căn cứ cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) (đã bãi bỏ);
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) (đã bãi bỏ);
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.
Anh T – người đứng đầu đường dây với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với trị giá tài sản lên đến 20 tỷ đồng có thể đối diện với khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm tù hoặc tù chung thân. Các đối tượng khác liên quan có thể được xác định là đồng phạm (người thực hành), tùy vào tính chất của đồng phạm, mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm mà cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành truy cứu trách nhiệm (hành chính hoặc hình sự) phù hợp.
Ngoài hình phạt chính, anh T và nhóm đối tượng có liên quan còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung như tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm, phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Khuyến cáo của Luật Giang Anh:

Ngày nay, các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo,… ngày càng phát triển dẫn đến xuất hiện các nhóm đối tượng lợi dùng điều này cùng với sự cả tin của người dùng mạng xã hội để thực hiện các hành vi phạm tội, đặc biệt là hành vi lừa đảo trên không gian mạng nhằm chiếm đoạt tài sản. Để phòng tránh các hoạt động này, người dân cần nâng cao cảnh giác. Trước khi tiến hành giao dịch, mua bán qua mạng, người dân cần sàng lọc, kiểm tra kỹ thông tin, danh tính của người bán hàng, lựa chọn địa chỉ uy tín, thanh toán minh bạch. Không nên chuyển tiền đặt cọc mua hàng khi không rõ các thông tin nêu trên, đồng thời, cần lưu ý rà soát và kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền.
Trong trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân phải kịp thời thông báo cho cơ quan Công an gần nhất có thẩm quyền để được giải quyết kịp thời, tránh trường hợp tiền mất, tật mang.
Hiện nay, vụ án nêu trên vẫn đang trong quá trình được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ, tìm ra những điểm mấu chốt để có đánh giá khách quan nhất. Nhận định trên của Luật Giang Anh là dựa trên những nguồn thông tin hiện có, chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật đến quý bạn đọc tại những bài viết sau.
Nếu có bất cứ thắc mắc gì cần tư vấn hoặc đang là nạn nhân của bất cứ chiêu trò lừa đảo nào, vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH GIANG ANH
Website: gianganhlaw.com
Email: gal.attorneys@gmail.com
Hotline: 0345 428 668
VPGD: P.311, Tòa nhà 142 Lê Duẩn, Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *