Ngày nay, việc những nhà đầu tư nước ngoài “rót” vốn vào các tổ chức kinh tế của Việt Nam đang dần trở nên phổ biến. Để có thể thu hút các đối tác đầu tư tiềm năng này, Chính phủ Việt Nam luôn cố gắng mở rộng các hình thức đầu tư, cũng như cải thiện môi trường đầu tư. Dưới đây là một số hình thức đầu tư hợp pháp tại Việt Nam theo quy định tại Điều 21 của Luật Đầu tư.
- Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế.
Điều 22 của Luật Đầu tư 2020 quy định: nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài đều có quyền thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật .
Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư và thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, ngoại trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ khác có giá trị pháp lý tương đương, tổ chức kinh tế do nhà đầu tư nước ngoài thành lập sẽ được coi là nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
- Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp
2.1. Đầu tư theo hình thức góp vốn của Nhà đầu tư nước ngoài:
Theo khoản 1 Điều 25 Luật Đầu tư 2020 quy định về các hình thức góp vốn của NĐT nước ngoài gồm có:
(i) Mua cổ phần phát hành lần đầu hoặc cổ phần phát hành thêm của công ty cổ phần;
(ii) Góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; hoặc
(ii) Góp vốn vào tổ chức kinh tế khác không thuộc trường hợp (i) và (ii).
2.2. Đầu tư theo hình thức mua cổ phần, mua phần vốn góp
Theo khoản 2 Điều 25 Luật Đầu tư 2020 quy định các hình thức mua cổ phần, mua phần vốn góp của NĐT nước ngoài gồm có:
(i) Mua cổ phần của công ty cổ phần từ công ty hoặc cổ đông;
(ii) Mua phần vốn góp của thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn để trở thành thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn;
(iii) Mua phần vốn góp của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh để trở thành thành viên góp vốn của công ty hợp danh;
(iv) Mua phần vốn góp của thành viên tổ chức kinh tế khác không thuộc những trường hợp nêu trên.
- Thực hiện dự án đầu tư
Thực hiện Dự án đầu tư là hình thức mà Nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư. Chấp thuận chủ trương đầu tư là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận về mục tiêu, địa điểm, quy mô, tiến độ, thời hạn thực hiện dự án; nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư và các cơ chế, chính sách đặc biệt (nếu có)
Các quy định về Chấp thuận chủ trương đầu tư và Lựa chọn Nhà đầu tư được quy định cụ thể tại Mục 2 Chương IV Luật Đầu tư và Nghị định hướng dẫn thi hành số 31/2021/NĐ-CP.
- Đầu tư theo hình thức Hợp đồng BCC
Hợp đồng BCC thực chất là Hợp đồng hợp tác kinh doanh được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm theo quy định của pháp luật mà không thành lập tổ chức kinh tế. Tùy vào chủ thể của hợp đồng mà hợp đồng BCC sẽ chịu sự điều chỉnh của các Luật khác nhau.
- Hợp đồng BCC được ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.
- Hợp đồng BCC được ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 38 của Luật này.
Các bên tham gia hợp đồng BCC thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng BCC. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban điều phối do các bên thỏa thuận.
Lưu ý: Nếu tổ chức kinh tế (trong nước) đầu tư theo các hình thức (1), (2), và (4) mà thuộc một trong các trường hợp sau đây thì phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài:
- Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;
- Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ;
- Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
- Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ
Theo Luật Đầu tư 2020 đã có sự bổ sung “Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ” để đáp ứng với tình hình phát triển nền kinh tế và mở rộng các cơ hội đầu tư mới.
Cũng trong Luật Đầu tư 2020, quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đã được loại bỏ bởi sẽ có Luật riêng quy định về đầu tư đối tác công tư từ năm 2020. Việc này hứa hẹn sẽ giúp tăng tính minh bạch và hiệu quả trong việc thực hiện các dự án PPP
Nhìn chung, các hình thức đầu tư và loại hình tổ chức kinh tế mới trong quy định của Chính phủ Việt Nam được đảm bảo bởi các quy định pháp luật, công khai, minh bạch và có chính sách ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư. Vì vậy các nhà đầu tư cần phải hiểu rõ về các rủi ro và ưu/nhược điểm của từng hình thức đầu tư trong việc đưa ra quyết định đầu tư và quản lý chính sách đầu tư của mình.
Nếu còn bất cứ câu hỏi nào chưa được giải đáp hoặc có thắc mắc cần sự tư vấn, trợ giúp của các luật sư, bạn có thể liên hệ với Công ty Luật TNHH Giang Anh
CÔNG TY LUẬT TNHH GIANG ANH
VPGD: P311, Toà nhà 142 Lê Duẩn, Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội
Website: gianganhlaw.com
Email: gal.attorneys@gmail.com
HOTLINE: 0345 428 668