PHÂN BIỆT ÁN TREO VÀ CẢI TẠO KHÔNG GIAM GIỮ

Trong hình sự, án treo và cải tạo không giam giữ là hai trong số các hình thức áp dụng cho phép người phạm tội được tự do ngoài xã hội. Vậy, trong hai hình phạt này thì đâu là hình phạt có tính chất nặng hơn và ảnh hưởng nhiều hơn đến nhân thân của người phạm tội trong tương lai? Hãy cùng Luật Giang Anh tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

Án treo và cải tạo không giam giữ là gì?

Án treo được hiểu là một biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù.
Cải tạo không giam giữ là một trong những hình phạt chính đối với người phạm tội. Theo đó, người phạm tội thuộc trường hợp tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng theo quy định của Bộ luật Hình sự mà đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi cư trú rõ ràng, khi xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội, Tòa án sẽ xem xét áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ.

Phân biệt án treo và cải tạo không giam giữ

Tiêu chí

Án treo

Cải tạo không giam giữ

Khái niệm

Biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù (người phạm tội vẫn bị kết án phạt tù, nhưng được cho tự do ngoài xã hội). Hình phạt chính
Điều kiện áp dụng (i) Bị xử phạt tù không quá 03 năm.

(ii) Có nhân thân tốt.

(iii) Có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Trường hợp có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phải nhiều hơn số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự từ 02 tình tiết trở lên.

(iv) Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục.

(v) Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng mà đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi cư trú rõ ràng nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội.

Thời hạn áp dụng Bằng hai lần mức hình phạt tù, trong khoảng từ 01 năm – 05 năm và có thể được rút ngắn thời gian thử thách nếu thỏa mãn một số điều kiện và được cơ quan quản lý, giám sát đề xuất. Từ 06 tháng đến 03 năm, được xem xét giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành hình phạt khi thỏa mãn một số điều kiện nhất định.
Thời hạn được vắng mặt khỏi nơi cư trú Mỗi lần không quá 60 ngày và tổng số thời gian vắng mặt tại nơi cư trú không được vượt quá một phần ba thời gian thử thách. Mỗi lần không quá 30 ngày và tổng số thời gian vắng mặt tại nơi cư trú không được vượt quá một phần ba thời gian chấp hành án.
Nghĩa vụ (i) Có mặt theo giấy triệu tập và cam kết việc chấp hành án;

(ii) Thực hiện nghiêm chỉnh cam kết trong việc tuân thủ pháp luật, nghĩa vụ công dân, nội quy, quy chế của nơi cư trú, nơi làm việc, học tập; chấp hành đầy đủ hình phạt bổ sung, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp vì lý do khách quan được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận;

(iii) Chịu sự giám sát, giáo dục của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi cư trú, nơi làm việc;

(iv) Chấp hành quy định khi vắng mặt tại nơi cư trú, thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc;

(v) Phải có mặt theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu;

(vii) Hằng tháng phải nộp bản tự nhận xét về việc thực hiện nghĩa vụ chấp hành án cho Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục.

Trường hợp vắng mặt tại địa phương thì khi hết thời hạn vắng mặt, người được hưởng án treo phải báo cáo về tình hình chấp hành nghĩa vụ của mình. Thực hiện nghĩa vụ nộp phần thu nhập bị khấu trừ; thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng theo quy định của pháp luật.

Như vậy, điểm giống nhau lớn nhất giữa án treo và cải tạo không giam giữ là không để người bị kết án phải ngồi tù mà được tự do hoạt động ngoài xã hội, tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, cải tạo không giam giữ là một trong các hình phạt đối với người phạm tội, trong khi đó, án treo chỉ là một biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện mà không phải là một hình phạt. Trường hợp đang trong thời gian hưởng án treo mà người được hưởng án treo vi phạm nghĩa vụ của một cách cố ý và từ 2 lần trở lên thì Tòa án quyết định buộc người được hưởng án treo chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp đang trong thời gian hưởng án treo nhưng vẫn thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định của pháp luật hiện hành.

Do đó, chúng ta không thể so sánh hình thức nào có tính chất nặng hơn. Tuy nhiên, nhìn vào mặt hạn chế đối với người chấp hành án thì người hưởng án treo trong thời gian thử thách chịu nhiều ràng buộc và thời gian áp dụng cũng có thể bị kéo dài hơn. Tùy vào từng trường hợp vụ việc, tội danh cụ thể, cơ quan có thẩm quyền cần xem xét đến nhiều yếu tố để có thể xác định được hình thức nào là phù hợp áp dụng trên thực tế.

Trên đây là toàn bộ thông tin liên quan đến những điểm giống và khác nhau của hai hình thức: án treo và cải tạo không giam giữ. Luật Giang Anh hy vọng những kiến thức trên mà chúng tôi cung cấp có thể giúp ích cho Quý Khách hàng.
Nếu còn bất cứ thắc mắc nào cần giải đáp hoặc cần tư vấn, vui lòng liên hệ:
Hotline/Zalo: 0345 428 668.
Website: https://gianganhlaw.com
Fanpage: LUẬT GIANG ANH (https://www.facebook.com/gal.attorneys)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *