Một số quy định của pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn trong lĩnh vực tố tụng hình sự nhằm bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Năm 2015 là năm đầu tiên Việt Nam triển khai thực thi Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (Công ước chống tra tấn). Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã có những sửa đổi, bổ sung mang tầm chiến lược đối với các chính sách hình sự, dân sự, hành chính, … Nhiều quy định trong Công ước đã được nội luật hóa vào Bộ luật Hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, …
1. Hiến pháp năm 2013
Hiến pháp năm 2013 đã quy định cụ thể về việc cấm tra tấn đối với bất cứ cá nhân nào (công dân, người nước ngoài, người không có quốc tịch sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam):
“Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không vị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kì hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm” (khoản 1 điều 20).
Hiến pháp 2013 quy định một số nguyên tắc trong tố tụng hình sự nhằm mục đích phòng chống tra tấn như:
- Nguyên tắc suy đoán vô tội: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật” (khoản 1 điều 31);
- Nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của người bị bắt , bị tạm giữ, bị can, bị cáo (khoản 4 điều 31 và khoản 7 điều 103);
- Trách nhiệm bồi thường và việc xử lý đối với người vi phạm pháp luật trong hoạt động tố tụng (khoản 5 điều 31).
2. Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017
Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã sửa đổi tội Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, tội Dùng nhục hình, tội Bức cung theo hướng tăng nặng nhằm đảm bảo yêu cầu về phòng, chống tra tấn, cụ thể:
- Bổ sung tình tiết tăng nặng định khung : “Tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục phẩm giá nạn nhân” vào tội “Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” (điểm b Khoản 3 Điều 157), hình phạt từ 05 năm đến 12 năm tù.
- Bổ sung hành vi “Dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm của người khác dưới bất kỳ hình thức nào” vào tội “Dùng nhục hình” (điều 373). Điều luật cũng quy định nếu người phạm tội làm người bị nhục hình tự sát thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm (khoản 3); làm người bị nhục hình chết thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân (khoản 4).
- Bổ sung tình tiết tăng nặng định khung vào tội Bức cung (điều 374): Trường hợp “dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm người bị lấy lời khai, hỏi cung” (điểm d khoản 2), bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm; phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Làm người bị bức cung chết; dẫn đến làm oan người vô tội; dẫn đến bỏ lọt tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân (khoản 4).
3. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
Bộ luật TTHS 2015 quy định trực tiếp: “Nghiêm cấm tra tấn, bức cung, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, tính mạng, sức khỏe của con người” (Điều 10).
- Bộ luật TTHS 2015 đã bổ sung quy định về ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình hỏi cung bị can và có thể ghi âm, ghi hình có âm thanh khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, lấy lời khai, đối chất, xét xử; quy định về người bào chữa có quyền tham gia bào chữa từ thời điểm khởi tố bị can; trường hợp bắt, tạm giữ người thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ; có mặt trong các hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói, đề nghị tiến hành các hoạt động tố tụng theo luật định.
- Bộ luật TTHS 2015 quy định cụ thể về quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội; bảo đảm quyền được gặp, tiếp cận thành viên gia đình, luật sư, bào chữa viên nhân dân , trợ giúp pháp lý, thăm khám của những người bị giam giữ; quyền được tiếp cận và thông báo lãnh sự trong trường hợp là công dân của nước ngoài.
- Bộ luật này quy định chi tiết về 14 nhóm quyền của người bào chữa, trong đó có quyền gặp, hỏi người bị buộc tội; quyền tham gia bào chữa từ thời điểm bị bắt; quyền tham gia hỏi, tranh luận tại phiên tòa, …
Việc bổ sung, quy định chi tiết những quyền này trong các đạo luật là minh chứng thể hiện quyết tâm của Nhà nước Việt Nam trong việc tôn trọng và bảo vệ các quyền con người và cũng là một trong các biện pháp không chỉ ngăn ngừa các hành vi tra tấn mà còn góp phần tăng cường các biện pháp bảo vệ nạn nhân bị tra tấn.
4. Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015
Quy định 04 nhóm hành vi bị nghiêm cấm trong tổ chức điều tra hình sự liên quan đến bảo vệ quyền của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, trong đó khẳng định:
- Nghiêm cấm: “bức cung, dùng nhục hình và các hình thức tra tấn hoặc đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hay bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.
- Việc phê chuẩn Công ước chống tra tấn của Liên hợp quốc đã tạo điều kiện để Việt Nam rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan, cụ thể là quyền không bị tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hay hạ nhục con người cho phù hợp hơn với Công ước và các quy chuẩn chung của pháp luật quốc tế về quyền con người.
- Thực hiện đúng các nội dung Công ước, Việt Nam đã xây dựng, hoàn thiện pháp luật để phù hợp với các quy định Công ước. Trong lĩnh vực tố tụng hình sự, vấn đề bảo vệ quyền con người, quyền công dân được quan tâm đặc biệt.
Trường hợp còn bất cứ câu hỏi nào chưa được giải đáp hoặc có thắc mắc cần tư vấn, trợ giúp của các luật sư, bạn có thể liên hệ với Công ty luật TNHH Giang Anh qua địa chỉ website: https://gianganhlaw.com hoặc Hotline tư vấn: 034 542 8668.