Tài sản là đối tượng của giao dịch dân sự vô hiệu dùng để thế chấp thì giải quyết thế nào?

Xử lý tài sản thế chấp tài sản bảo đảm khoản vay là một trong những vấn đề nan giải giữa bên thế chấp và bên nhận thế chấp, khi bên nhận thế chấp không còn khả năng trả nợ thì lẽ đương nhiên, bên nhận thế chấp phải xử lý tài sản thế chấp để thanh toán cho phần nghĩa vụ không thể thực hiện được này. Vậy có những trường hợp tài sản là đối tượng của giao dịch dân sự vô hiệu dùng để thế chấp thì giải quyết thế nào?

Giao dịch dân sự vô hiệu khi nào?

Căn cứ theo quy định tại Điều 122 Bộ luật Dân sự 2015: “Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 117 của Bộ luật này thì vô hiệu, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác.” Trong đó, Điều 117 quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự như sau:
1. Giao dịch\
dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.”

Tài sản là đối tượng của giao dịch dân sự vô hiệu nhưng đã dùng để thế chấp thì giải quyết thế nào?

Hiện nay, theo quy định tại Điều 36 Nghị định 21/2021/NĐ-CP: “Trường hợp tài sản là đối tượng của giao dịch dân sự vô hiệu được dùng để thế chấp mà đã được chuyển giao cho bên nhận thế chấp ngay tình trong các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 133 của Bộ luật Dân sự thì hợp đồng thế chấp không bị vô hiệu; quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 133 của Bộ luật Dân sự.”
Trong đó, việc “chuyển giao tài sản thế chấp” theo quy định trên là việc bên thế chấp không giao tài sản thế chấp nhưng bên nhận thế chấp đã giữ Giấy chứng nhận về tài sản thế chấp theo thỏa thuận hoặc đã thực hiện biện pháp thực tế cần thiết khác để bên thế chấp không vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều 320 của Bộ luật Dân sự.
Điều này có nghĩa, tài sản là đối tượng của giao dịch dân sự vô hiệu mà đã được chuyển giao cho bên nhận thế chấp chấp ngay tình trong các trường hợp sau thì hợp đồng thế chấp không bị vô hiệu:

  • Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng đối tượng của giao dịch là tài sản không phải đăng ký đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch được xác lập, thực hiện với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại Điều 167 Bộ luật dân sự 2015.
  • Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.
    Khi thuộc vào các trường hợp này Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, nhưng có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại.
  • Ngược lại, trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch dân sự với người thứ ba bị vô hiệu.

Để hiểu hơn về quy định này, GAL có đưa ra một trường hợp cụ thể như sau:

Ví dụ: Chị A cho anh B vay tiền, anh B đã thế chấp căn nhà của mình để bảo đảm cho khoản vay với chị A (Hợp đồng thế chấp chưa được công chứng). Đến khi anh B không trả được nợ, căn nhà đã được chuyển sang cho chị A sở hữu. Tuy nhiên, sau đó một thời gian, để phục vụ nhu cầu cá nhân chị A đã lấy căn nhà để thế chấp tại ngân hàng D. Sau này, khi anh B đến trả tiền cho chị A và chuộc lại căn nhà thì được biết nhà đã bị chị A đem đi thế chấp. Vậy câu hỏi đặt ra rằng anh B có lấy lại được căn nhà từ ngân hàng hay không mặc dù đã trả hết nợ cho chị A?

Dựa vào quy định tại Điều 36 Nghị định 21/2021/NĐ-CP, GAL có câu trả lời cho anh B như sau:

  • Thứ nhất, giao dịch dân sự giữa chị A và anh B là giao dịch dân vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức theo Điều 129 Bộ luật dân sự 2015 bởi Hợp đồng thế chấp nhà đất đã không được các bên công chứng chứng thực tại cơ quan có thẩm quyền.
  • Thứ hai, ta xác định được nhà đất trong tình huống trên chính là đối tượng của giao dịch vô hiệu mà đã được chuyển giao cho bên nhận thế chấp ngay tình – Ngân hàng D.
  • Thứ ba, Hợp đồng thế chấp giữa Ngân hàng D và chị A sẽ không bị vô hiệu, bởi căn nhà đã thuộc quyền sở hữu của chị A. Ngân hàng nhận thế chấp là dựa trên những giấy tờ hợp pháp do chị A cung cấp, ngân hàng không biết và không thể biết nhà đất đó là tài sản trong một giao dịch dân sự vô hiệu. Ngân hàng là bên nhận thế chấp ngay tình.
    Từ các lý lẽ trên và căn cứ vào quy định của pháp luật thì anh B không được quyền đòi lại tài sản từ Ngân hàng mà chỉ có thể khởi kiện, yêu cầu chị A phải hoàn trả những chi phí, bồi thường thiệt hại cho mình.

Hy vọng bài viết đã cung cấp được cho quý bạn đọc những thông tin quan trọng để hiểu hơn về trường hợp “Tài sản là đối tượng của giao dịch dân sự vô hiệu dùng để thế chấp thì sẽ phải giải quyết thế nào”, nếu còn bất cứ thắc mắc, vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH GIANG ANH
Website: gianganhlaw.com
Email: gal.attorneys@gmail.com
Hotline: 0345 428 668
VPGD: P.311, Tòa nhà 142 Lê Duẩn, Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *