Thủ tục yêu cầu tuyên bố Doanh nghiệp phá sản

Quá trình kinh doanh không tránh khỏi việc xảy ra thua lỗ, phá sản là thủ tục để xóa bỏ một doanh nghiệp bị thua lỗ đến mức không thể thanh toán được các khoản nợ đến hạn, từ đó đưa ra biện pháp xử lý tài sản.

1. Phá sản là gì ?
Căn cứ khoản 2 điều 4 Luật Phá sản 2014, Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.

2. Điều kiện để tuyên bố doanh nghiệp phá sản
Để được coi là phá sản doanh nghiệp phải có đủ 2 điều kiện:
           – Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán
           – Tòa án ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản
Doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thì có thể yêu cầu Tòa án mở thủ tục tuyên bố phá sản.

3. Thẩm quyền giải quyết thủ tục phá sản
Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã có trụ sở chính tại huyện, quận, thị xã, thành phố trên địa bàn của mình và không thuộc trường hợp Luật quy định thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân cấp tỉnh.
Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết các vụ việc:
          – Vụ việc phá sản có tài sản ở nước ngoài hoặc người tham gia thủ tục phá sản ở nước ngoài.
          – Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có chi nhánh, văn phòng đại diện ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc các tỉnh khác nhau.
          – Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có bất động sản ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc các tỉnh khác nhau.
          – Vụ việc phá sản thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện mà do tính chất phức tạp của vụ việc phải chuyển giao cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh để giải quyết.

4. Thủ tục phá sản
Căn cứ Luật phá sản 2014, việc mở thủ tục phá sản sẽ được diễn ra qua các bước sau.
Bước 1:Nộp đơn yêu cầu
Người có quyền và nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản nộp đơn theo đúng thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Có 02 hình thức nộp đơn: Nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc nộp qua bưu điện.

Bước 2: Tòa án nhận đơn mở thủ tục phá sản
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán hoặc một tổ Thẩm phán gồm 03 Thẩm phán giải quyết đơn mở thủ tục phá sản

Bước 3: Tòa án thụ lý đơn.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, Thẩm phán xem xét đơn yêu cầu, ra thông báo bổ sung sửa đổi đơn yêu cầu trong trường hợp đơn mở thủ tục phá sản không đủ; chuyển thẩm quyền giải quyết nếu như không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án; trả lại đơn yêu cầu; Trường hợp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ, Thẩm phán thông báo cho người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản về việc nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản, trừ trường hợp không phải nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản

Bước 4: Mở thủ tục phá sản
Quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản Tòa án phải gửi thông báo đến những người liên quan.
Trong quá trình giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản, có thể yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền thực hiện các biện pháp bảo toàn tài sản như tuyên bố giao dịch vô hiệu; tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng…

Bước 5: Hội nghị chủ nợ
Hội nghị chủ nợ được Thẩm phán tiến hành triệu tập và chủ trì. Thông thường sau 20 ngày kể từ ngày kết thúc việc kiểm kê tài sản Thẩm phán sẽ tiến hành triệu tập Hội nghị chủ nợ.
Trường hợp việc kiểm kê tài sản kết thúc trước việc lập danh sách chủ nợ thì Thẩm phán tiến hành triệu tập Hội nghị chủ nợ ngay khi lập xong danh sách chủ nợ. Trường hợp Tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản theo thủ tục rút gọn theo quy định tại Điều 105 Luật phá sản 2014 thì sẽ không tổ chức Hội nghị chủ nợ.

Bước 6: Ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản
Trường hợp doanh nghiệp không thực hiện được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh hoặc hết thời hạn thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh nhưng vẫn mất khả năng thanh toán, Thẩm phán ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản.

Bước 7: Thi hành tuyên bố doanh nghiệp phá sản
Sau khi có Quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản của Toà án, các bên sẽ tiến hành thực hiện việc thanh lý tài sản phá sản và phân chia tiền thu được từ việc bán tài sản của doanh nghiệp cho các đối tượng theo thứ tự phân chia tài sản.

Hiện nay, Giang Anh Law đang là đơn vị chuyên nghiệp về tư vấn, hướng dẫn, trợ giúp khách hàng thực hiện các thủ tục và chuẩn bị hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp. Để được giải đáp hoặc có thắc mắc cần tư vấn, trợ giúp của các luật sư, bạn có thể liên hệ tới Công ty Luật TNHH Giang Anh qua địa chỉ website: https://gianganhlaw.com hoặc Hotline tư vấn: 0345 428 668 để được hỗ trợ kịp thời.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *