TUỔI NGHỈ HƯU CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG THEO QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT

Những tác động của thời kỳ dân số vàng tới kinh tế và xã hội tại Việt Nam đặt ra yêu cầu đối với pháp luật về lao động cần có sự thay đổi đối với độ tuổi nghỉ hưu. Theo các chuyên gia thì sự điều chỉnh này xuất phát từ thực trạng già hóa dân số dẫn tới thiếu hụt lao động có trình độ. Do đó, nhà nước cần điều chỉnh nhằm duy trì nguồn lực lao động. Kể từ khi Bộ luật lao động 2019 có hiệu lực, tuổi nghỉ hưu của người lao động đã không còn được cố định ở một độ tuổi cụ thể mà có sự thay đổi theo các mốc thời gian. Điều này sẽ được Giang Anh Law giải đáp thông qua bài viết sau đây.

Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường

Căn cứ tại khoản 2 điều 169 Bộ luật lao động 2019 và nghị định số 135/2020/NĐ-CP quy định về tuổi người lao động được nghỉ hưu xác định như sau:
“Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.”
Hiện tại là năm 2024, người lao động trong điều kiện lao động bình thường sẽ được nghỉ hưu khi đủ 61 tuổi đối với lao động nam và đủ 56 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; Cứ như thế mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam cho đến năm 2028 và tăng thêm 04 tháng đối với lao động nữ cho đến năm 2035.

Lộ trình nghỉ hưu ở thời điểm hiện tại

Để mọi người dễ xác định thì chúng tôi sẽ cung cấp lộ trình về hưu sau đây:

Lao động nam Lao động nữ
Năm nghỉ hưu Thời điểm nghỉ hưu Năm nghỉ hưu Thời điểm nghỉ hưu
2024 61 tuổi 2024 56 tuổi 4 tháng
2025 61 tuổi 3 tháng 2025 56 tuổi 8 tháng
2026 61 tuổi 6 tháng 2026 57 tuổi
2027 61 tuổi 9 tháng 2027 57 tuổi 4 tháng
Từ năm 2028 trở đi 62 tuổi 2028 57 tuổi 8 tháng
2029 58 tuổi
2030 58 tuổi 4 tháng
2031 58 tuổi 8 tháng
2032 59 tuổi
2033 59 tuổi 4 tháng
2034 59 tuổi 8 tháng
Từ năm 2035 trở đi 60 tuổi

Thời điểm tính tuổi nghỉ hưu

Tại điều 3 nghị định số 135/2020/NĐ-CP quy định:
Thời điểm nghỉ hưu là kết thúc ngày cuối cùng của tháng đủ tuổi về hưu theo quy định. Đối với trường hợp người lao động tiếp tục làm việc sau khi đã đủ tuổi theo quy định thì thời điểm nghỉ hưu là thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.
Trường hợp hồ sơ của người lao động không xác định được ngày, tháng sinh mà chỉ có năm sinh thì lấy ngày 01 tháng 01 của năm sinh để làm căn cứ xác định thời điểm nghỉ hưu và thời điểm hưởng chế độ hưu trí.
Ví dụ: anh Nguyễn Văn A sinh ngày 23 tháng 3 năm 1965. Hiện tại anh A 59 tuổi. Tính đến ngày 23 tháng 3 năm 2026, anh A 61 tuổi và sẽ được về hưu sau 6 tháng sau đó. Cụ thể là ngày 31 tháng 9 năm 2026.

Nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường (nghỉ hưu sớm)

Tại Điều 5 nghị định số 135/2020/NĐ-CP quy định: Người lao động có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với tuổi về hưu so với lộ trình của bảng trên tại thời điểm nghỉ hưu, thuộc các trường hợp sau đây:
  • Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên
  • Người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành tại Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH.
  • Người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0.7 trở lên trước ngày 01 tháng 01 năm 2021 (Từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 thì áp dụng chỉ danh mục vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành tại Thông tư 19/2021/TT-BLĐTBXH).
  • Người lao động có tổng thời gian làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 15 năm trở lên.

Nghỉ hưu ở tuổi cao hơn tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường (nghỉ hưu muộn)

Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 tuổi so với lộ trình của bảng trên tại thời điểm nghỉ hưu. Cụ thể, người lao động có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn khi thỏa thuận với người sử dụng lao động tiếp tục làm việc sau tuổi về hưu.
Việc chấm dứt hợp đồng lao động và giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động nghỉ hưu muộn thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm Xã hội.
Trên đây là quy định pháp luật về tuổi nghỉ hưu. Nếu còn thắc mắc hay cần hỗ trợ tư vấn về các vấn đề pháp lý quý khách hàng có thể liên hệ với chúng tôi.
CÔNG TY LUẬT TNHH GIANG ANH
 Website: gianganhlaw.com
 Email: gal.attorneys@gmail.com
 Hotline: 0345 428 668
  VPGD: P.311, Tòa nhà 142 Lê Duẩn, Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *