Mục Lục
Khởi kiện là thủ tục đầu tiên trong quy trình tố tụng để một cá nhân hoặc tổ chức có thể tự bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình. Việc xác định thẩm quyền xét xử khi giải quyết vụ việc dân sự không có yếu tố nước ngoài là bước rất quan trọng để tiến hành thủ tục giải quyết tranh chấp, từ đó xác định nơi người khởi kiện phải nộp đơn là ở đâu.
1. Căn cứ xác định thẩm quyền
Theo Điều 1 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 (BLTTDS 2015):“Bộ luật tố tụng dân sự quy định những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự; trình tự, thủ tục khởi kiện để Tòa án nhân dân (sau đây gọi là Tòa án) giải quyết các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động (sau đây gọi chung là vụ án dân sự)…….”
Như vậy, Tòa án là cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết và ra các quyết định đối với các vụ án dân sự theo thủ tục tố tụng dân sự.
Các cách xác định thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự không có yếu tố nước ngoài của Tòa án
2. Xác định thẩm quyền theo cấp
2.1.Với Tòa án nhân dân cấp huyện:
Theo quy định tại Điều 35 BLTTDS 2015, TAND cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm các vụ án sau đây:
– Các tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền dân sự của Tòa án; giải quyết việc ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con.
– Một số tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận (Khoản 1 Điều 30)
– Các tranh chấp lao động thuộc thẩm quyền của Tòa án bao gồm: các Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động thông qua hòa giải nhưng không thành; hòa giải thành nhưng các bên thực hiện không đúng hoặc không thực hiện; các trường hợp không bắt buộc phải thông qua hòa giải (Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động,……);……
2.2. Với Tòa án nhân dân cấp tỉnh:
Hiện nay, theo quy định tại Điều 37 BLTTDS 2015, thì TAND cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thẩm quyền sơ thẩm các loại vụ việc sau, bao gồm:
– Tranh chấp về bồi thường thiệt hại do áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính không đúng theo quy định của pháp luật về cạnh tranh; tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân và tổ chức với nhau đều có mục đích lợi nhuận; tranh chấp giữa người chưa phải là thành viên công ty nhưng có giao dịch về chuyển nhượng phần vốn góp với công ty, thành viên của công ty; tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty;…..
– Các tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động tương tự như đối với TAND cấp huyện nhưng có tính chất phức tạp hơn như: đòi hỏi những điều kiện đặc biệt về chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ tòa án cũng như những điều kiện về phương tiện, kỹ thuật.
– Ngoài ra, TAND cấp tỉnh còn có thẩm quyền sơ thẩm những vụ án thuộc thẩm quyền của TAND cấp huyện mà TAND cấp tỉnh tự mình lấy lên để giải quyết khi xét thấy cần thiết nhằm đảm bảo sự vô tư, khách quan như: việc vận dụng pháp luật chính sách; việc điều tra, thu thập chứng cứ, việc giám định kỹ thuật có nhiều khó khăn, phức tạp; hoặc theo yêu cầu của đương sự, Tòa án cấp tỉnh cũng có thể lấy những vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện lên để giải quyết nếu xét xử thấy có lý do chính đáng.
– Theo đề nghị của TAND cấp huyện.
3. Xác định thẩm quyền theo lãnh thổ
Hiện nay, quy định tại Điều 39 BLTTDS 2015 về việc phân định thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ như sau:
– Những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của BLTTDS 2015 sẽ do Tòa án nơi bị đơn là cá nhân cư trú, làm việc hoặc Tòa án nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức. Ngoài ra, các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức (điểm a Khoản 1).
– Đặc biệt, đối với những tranh chấp liên quan đến bất động sản sẽ thuộc thẩm quyền của Tòa án nơi có bất động sản. Đối với những tranh chấp về vấn đề này, các bên đương sự không có quyền thỏa thuận về việc yêu cầu tòa án nơi không có bất động sản giải quyết.
4. Xác định thẩm quyền theo sự lựa chọn
Theo khoản 1 Điều 40 BLTTDS 2015: Nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, trong các trường hợp sau:
– Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết;
– Nếu tranh chấp phát sinh từ hoạt động của chi nhánh tổ chức thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi tổ chức có trụ sở hoặc nơi tổ chức có chi nhánh giải quyết;
– Nếu bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam hoặc vụ án về tranh chấp việc cấp dưỡng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết;
– Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi xảy ra việc gây thiệt hại giải quyết;
– Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động khác đối với người lao động thì nguyên đơn là người lao động có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết;
– Nếu tranh chấp phát sinh từ việc sử dụng lao động của người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi người sử dụng lao động là chủ chính cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi người cai thầu, người có vai trò trung gian cư trú, làm việc giải quyết;
– Nếu tranh chấp phát sinh từ quan hệ hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi hợp đồng được thực hiện giải quyết;
– Nếu các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở ở nhiều nơi khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi một trong các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết;
– – Nếu tranh chấp bất động sản mà bất động sản có ở nhiều địa phương khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi có một trong các bất động sản giải quyết.
Trong cuộc sống, nếu không may các bạn gặp phải vấn đề xâm phạm đến quyền và lợi ích của bản thân, muốn khởi kiện nhưng chưa biết phải nộp đơn ở đâu, bạn có thể liên hệ Công ty Luật TNHH Giang Anh để được tư vấn, hướng dẫn soạn đơn khởi kiện. Công ty chúng tôi tự tin có thể đồng hành cùng các bạn tháo gỡ khó khăn khi giải quyết vấn đề.
Trường hợp có bất kì câu hỏi nào chưa được giải đáp hoặc có thắc mắc cần tư vấn, trợ giúp của các luật sư, bạn có thể liên hệ tới Công ty Luật TNHH Giang Anh qua địa chỉ Website: https://gianganhlaw.com hoặc Hotline tư vấn: 0345 428 668 để được hỗ trợ kịp thời.